( Phim có nội dung từ một Câu chuyện có thật trong đêm Giáng Sinh 1944)
Elisabeth Vincken, một phụ nữ Đức vì trốn tránh chiến tranh nên đưa con trai 12 tuổi của mìnhtên là Frisbey lánh xa trong rừng thẳm trong một căn nhà gỗ. Tuy rằng xa xa vẫn nghe được tiếng súng vọng lại, nhưng một nơi hoang vắng thế này, nghe chừng như an toàn.
Đêm Noel, hai mẹ con mong đợi ông bố đang làm việc trên thị trấn quay về đây đoàn tụ ăn bữa cơm Noel. Elisabeth có nuôi được một con gà béo đặt cho nó cùng tên với viên phó tướng của Hitler là Hermann Göring. Cô mong muốn đợi chồng về sẽ thịt con gà trống này để cả nhà thưởng thức.
Hôm ấy, tuyết phủ dầy đặc, che lấp đi tất cả mọi nẻo đường trên núi, hy vọng người bố trở về thực sự là mỏng manh.
Đột nhiên có tiếng gõ cửa, cậu bé Frisbey tưởng rằng bố đã về chạy ra mở cửa, nhưng mẹ cậu ngăn cậu lại, thổi tắt nến và tự mình ra mở cửa, hai người lính đội mũ sắt xuất hiện trước cửa, một người nữa bị thương nằm lê trên tuyết, máu rỉ nhuộm đỏ một vùng. Họ dùng tiếng Anh để giải thích cho cô điều gì nhưng cô không hiểu, trong tiềm thức cô đã biết rằng đây là quân địch, sự nguy hiểm rất có thể xẩy ra. Đây chính là ba người lính Mỹ thuộc sư đoàn 8 binh đoàn 121 bộ binh do bão tuyết nên đã lạc đến đây, họ bị lạc trong rừng đã ba ngày, mệt mỏi, đói rét và nhiều vết thương đang dằn vặt họ.Người nằm trên tuyết bị thương ở đùi, mất rất nhiều máu, cái chết như đang rình rập với anh. Họ mang trên mình súng đạn, có thể ập vào nhà cưỡng chiếm, nhưng họ vẫn lịch sự, gõ cửa và xin phép chủ nhân cho vào.
Elisabeth dựa vào cửa nghe những lời năn nỉ mà cô không nghe rõ nhưng cô hiểu được họ muốn gì và giang tay mời họ vào. Cô để người lính bị thương nằm lên giường mình, xé khăn trải giường băng bó vết thương cho anh, gọi con trai đi giết gà và gọt khoai tây để chuẩn bị đồ ăn tối của đêm Noel.
Chẳng mấy chốc, căn nhà nhỏ đã thơm lừng mùi gà nướng, và rồi Elisabeth phát hiện một người trong họ nói được tiếng Pháp, cô và họ bắt đầu giao lưu và không khí căng thẳng dần dần tan đi.
Chốc lát, lại có tiếng gõ cửa, cậu bé cho rằng có lẽ lại có thêm quân Mỹ bị lạc, chạy ra mở cửa thì phát hiện bốn lính Đức đứng ở cửa. Frisbey đứng ngây người, bởi cậu ta đã được dậy dỗ quy định của Đức quốc xã nếu như nuôi giữ kẻ địch trong nhà sẽ bị giết không tha thứ. Lúc ấy Elisabeth bước ra niềm nở chào các lính Đức bằng câu : “Merry Christmas”, rồi nghe viên hạ sĩ giải thích nhóm người bị lạc trong rừng, muốn ngủ nhờ một đêm. Elisabeth tươi cười mời họ vào và nói:” Mời các anh vào nhà cho ấm và cũng mời các anh chung vui bữa tối Noel an lành với chúng tôi. Nhưng gia đình chúng tôi còn có một số vị khách khác, họ không phải bạn của các anh nhưng rất mong sự dung nạp của các anh với họ.”, sĩ quan Đức lập tức cảnh giác hỏi:” Trong đấy là ai? có phải quân Mỹ?” , Elisabeth trả lời phải và nói tiếp:” Đêm nay là đêm bình an, không ai được hành sự ở đây, xin các vị bỏ vũ khí ngoài cửa cho”, quân Đức nhìn chằm chặp vào Elisabeth, cuối cùng cũng bỏ súng ngoài cửa rồi mới bước vào căn nhà gỗ.
Lập tức, không khí trong căn nhà căng thẳng hẳn, một lính Mỹ đã nhanh tay rút súng chuẩn bị bắn vào quân Đức, nhưng Elisabeth đã lớn tiếng chặn lại, cô dùng tiếng Pháp lặp lại câu vừa nói ngoài cửa với lính Đức:” Đêm nay là đêm bình an, không ai được hành sự ở đây, đưa súng cho tôi.”, sau đó cô sắp xếp cho hai bên binh lính ngồi xen kẽ quanh bàn ăn, do nhà hẹp nên họ ngồi sát vào nhau, vai chạm vai, còn Elisabeth thì tươi cười đi chuẩn bị đồ ăn.
Đồ ăn trong bếp toả hương thơm lừng, cô vừa làm việc vừa nhiệt tình nói chuyện vui vẻ, không khí căng thẳng tan đi. Sau đó, lính Mỹ moi thuốc lá ra mời lính Đức, lính Đức lấy chai rượu vang và bánh mỳ ra góp vui. Một lính Đức lấy dụng cụ cấp cứu của mình ra để băng bó lại vết thương cho người lính Mỹ bị thương, anh ta là quân y, biết tiếng Anh, giải thích cho lính Mỹ biết vết thương bởi gặp trời lạnh, chưa bị nhiễm trùng, chỉ có mất máu quá nhiều, nghỉ ngơi vài ngày sẽ khỏi. Sự nghi kỵ đề phòng lúc này hầu như đều đã tiêu tan.
Đồ ăn được bầy ra, Elisabeth chắp tay cầunguyện trước khi ăn, mắt cô rớm lệ và thành khẩn nói khẽ:” Cảm ơn ân điển của Chúa, ban cho chúng con niềm vui trong sự khủng khiếp của chiến tranh, được đoàn tụ một cách hoà bình trong căn nhà này. Trong đêm Noel an lành, chúng con xin thề rằng sẽ không phân biệt thù địch, hữu ái bên nhau, cùng nhau chia sẻ bữa cơm Noel đậm đà tình nghĩa này. Chúng con nguyện cầu cho chiến tranh mau kết thúc để mọi người bình yên trở về quê nhà.”, lời nguyện vừa hết, khuôn mặt các binh lính đã tràn trề nước mắt. Mọi người bị xúc động với những lời cầu nguyện của Elisabeth, trong khoảnh khắc, mọi thù hận, căm ghét mà trên chiến tuyến dồn lại bỗng chốc tiêu tan thành mây khói, trong thâm tâm họ chỉ nghĩ đến gia đình, quê hương và người thân, một sự khát khao hoà bình trào dâng.
Sau bữa ăn, họ cùng nhau bước ra khỏi căn nhà gỗ, lúc đó, bão tuyết đã ngưng, bầu trời đêm lấp lánh ánh sao, mọi người không ai bảo ai, cùng nhau ngẩng mặt tìm kiếm ngôi sao Bethlehem ( Star of Bethlehem).
(Đêm Giáng Sinh cũng làm chúng ta nhớ đến câu chuyện Ba Vua (Three Kings hay Magi) đến từ phương Đông, họ đã tìm ra nơi Chúa sinh ra đời để chiêm bái nhờ hướng theo ánh sao rực sáng trên hang đá ở Bethlehem. Ngôi sao sáng được gọi là Ngôi Sao Bethlehem (Star of Bethlehem) vì không ai biết ngôi sao ấy tên gì. Có nhiều giả thuyết về sự xuất hiện của ngôi sao ấy. Có thể đó là biểu hiện huyền bí hay là một phép lạ đánh dấu sự ra đời của Chúa Jesus. )
Sau đó, 7 người lính đã từng là thù địch giết chóc nhau trên chiến trường lại cùng nhau ngủ chung dưới một mái nhà, họ trải qua một đêm bình an ấm áp, yên lành, đầy kịch tính…
Sáng hôm sau, Elisabeth nấu đồ ăn sáng cho mọi người rồi hai bên chia tay nhau lên đường, sĩ quan Đức căn dặn hướng trận địa của quân Đức để ba người lính Mỹ khỏi đi nhầm đến đấy, họ còn làm một cái cáng để cho người lính Mỹ bị thương nằm. Hai bên đều lưu luyến bắt tay từ biệt Elisabeth và cậu con trai Frisbey rồi ra đi ở hai hướng khác nhau.
Câu chuyện chưa kết thúc, 14 năm sau, 1958, cậu bé Frisbey đã 26 tuổi, anh đã kết hôn và di dân sang Mỹ. Anh cư trú tại Hawaii và mở một tiệm bánh Pizza. Sau đó, anh có viết lại câu chuyện này và gửi cho nhà xuất bản “Reader’s Digest”, bởi đã nhiều năm nay, Frisbey ao ước được gặp lại những người trong cuộc buổi tối hôm ấy.
Năm 1995, đài truyền hình Mỹ tiết mục ” unsolved mysteries” đã đem câu chuyện này quay thành phim và chiếu trên kênh tivi, không bao lâu, một nhân viên dưỡng lão viện ở thị trấn vùng Maryland gọi điện thoại cho người phụ trách tiết mục, nói rằng ở nơi đây có một người lính già hay kể cùng một câu chuyện như vậy.
Người lính đó là một trong ba người lính Mỹ đêm hôm đó, ông tên là Ralph. Rất nhanh, họ bố trí cho hai người gặp mặt, xa cách sau 50 năm, Frisbey và Ralph lại gặp nhau, hai người ôm nhau cảm động đến khóc. Ralph nức nở:” Mẹ cậu đã cứu sống chúng tôi”, sau đấy Frisbey lại tìm được thêm một người lính Mỹ, nhưng những lính Đức thì không tìm lại được.
Năm 2002, Frisbey qua đời, cùng năm ấy, một xưởng phim Hollywood có dựng lại câu chuyên này thành phim lấy tên là ” The Silent Night ” ( Đêm yên lặng ).
Câu chuyện chỉ ra cho chúng ta thấy, Elísabeth chỉ là một phụ nữ người Đức bình thường, trong cuộc chiến tàn khốc, bà đã dũng cảm ngăn chặn giết chóc, giữ được sự tôn nghiêm của nhân tính. Hiển nhiên, dũng khí của bà, bắt nguồn từ tình yêu bác ái của Chúa Giê-xu, và lòng trắc ẩn nhân đạo vốn có của loài người. Lòng tốt của bà vượt lên trên sự thù địch, vượt trên cả chủng tộc, quốc gia, đánh thức nhân tính trong thâm tâm của hai phía thù địch. Chính bởi sự bất diệt của lòng nhân đạo là điều quý giá để bảo đảm nền hoà bình trên trái đất.
Đức Chúa Giê-xu đã để lại cho nhân loại tấm gương yêu thương. Chính tình yêu đó đã hóa giải bao hận thù. Chắc chắn rằng những người lính trong đệ nhị thế chiến ít nữa cũng là Cơ Đốc Nhân để rồi chính họ cũng đã vượt qua chính mình để đối xử tốt với quân thù như chính Chúa Giê-xu đã dạy.
(sưu tầm)