4 CĂN NGUYÊN CỦA SỰ NGÃ LÒNG VÀ 4 PHƯƠNG THUỐC
Mục Sư Rick Warren
Nản lòng chỉ có ở con người và ai cũng bị cả. Ai rồi cũng sẽ kinh nghiệm sự nản lòng, kể cả những người đang thi hành chức vụ và tôi tin chắc rằng đôi khi bạn đã từng trải sự nản lòng. Thậm chí, bạn có thể ngã lòng khi đọc bài viết này.
Bạn có biết bao lâu một lần tôi muốn từ bỏ chức vụ mục sư quản nhiệm Hội Thánh Saddleback không? Mỗi sáng thứ hai! Vì thế, đây là những gì tôi học được về cuộc chiến chống ngã lòng:
4 NGUYÊN NHÂN CỦA SỰ NGÃ LÒNG
Nguyên nhân 1: Mệt Mỏi
Khi bạn kiệt sức về thể chất và tinh thần, bạn là miếng mồi ngon cho sự ngã lòng. Khi ấy bạn gần như chẳng còn sức phòng vệ và mọi việc dường như ảm đạm hơn thực tế. Tình trạng này thường diễn ra khi bạn đã đi được nửa chặng đường của một dự án lớn và bạn thấy mệt.
Nguyên nhân 2: Thất Vọng
Khi có quá nhiều những nhiệm vụ chưa hoàn thành, tự nhiên bạn sẽ thấy bị quá tải. Và khi những vấn đề không mấy quan trọng hay một sự gián đoạn bất ngờ khiến bạn không hoàn thành được việc mình thực sự cần làm, sự thất vọng có thể dễ dàng khiến bạn ngã lòng.
Nguyên Nhân 3: Thất Bại
Đôi khi, những kế hoạch hay nhất đã được đề ra của bạn tan tành mây khói, dự án bị phá sản, thỏa thuận thất bại, chẳng ai đến tham dự sự kiện. Bạn phản ứng thế nào? Bạn tự thương hại bản thân? Bạn trách móc những người khác? Như lời một người đã từng nói, “Hễ khi nào tôi nghĩ mình sắp đến đích thì ai đó lại dời ‘cái đích’ đó đi mất!” Thật là nản!
Nguyên Nhân 4: Sợ hãi
Dù không muốn thừa nhận nhưng sợ hãi chính là nguyên nhân đằng sau sự ngã lòng. Sợ bị chỉ trích (Họ sẽ nghĩ gì?), sợ chịu trách nhiệm (Nếu mình không kham nổi thì sao?), và sợ thất bại (Nhỡ mình làm hỏng?) có thể là khởi đầu của sự chán nản.
4 PHƯƠNG THUỐC CHO SỰ NGÃ LÒNG
Thánh Kinh kể câu chuyện thú vị về cách một người tên Nê-hê-mi đã động viên dân thành Giê-ru-sa-lem xây tường thành. Khi dự án thực hiện được giữa chừng, dân chúng bắt đầu nản và muốn từ bỏ vì bốn nguyên nhân tôi đã nêu ở trên. Và đây là những gì Nê-hê-mi dạy chúng ta đánh bại sự ngã lòng:
“Tôi nói với các người quý tộc, các viên chức và dân chúng còn lại rằng: ‘Công việc thì lớn và kéo dài, còn chúng ta làm rải rác quanh tường thành, người này cách xa người kia. Vậy mỗi khi anh em nghe tiếng kèn nơi nào thì hãy tập hợp lại với chúng tôi nơi đó. Đức Chúa Trời của chúng ta sẽ chiến đấu cho chúng ta.’ Vậy chúng tôi làm việc, phân nửa số người thì cầm giáo từ lúc rạng đông cho đến khi sao mọc.” Nê-hê-mi 4:19-21 (BTTHĐ)
1. Cho cơ thể nghỉ ngơi.
Nếu cần nghỉ ngơi, hãy nghỉ ngơi! Như thế, bạn sẽ hiệu quả hơn khi trở lại làm việc. Nếu không biết dưỡng sức, bạn chẳng hiệu quả như bạn nghĩ đâu!
2. Sắp xếp lại cuộc sống.
Ngã lòng không hẳn có nghĩa là bạn đang làm sai việc mà có thể chỉ là bạn làm đúng việc nhưng sai cách thức. Vậy, hãy thử làm theo cách khác. Sốc lại mọi thứ một chút thử xem!
3. Nhớ rằng Chúa sẽ giúp đỡ bạn.
Hãy cầu xin Ngài, Ngài có thể ban sức mới cho bạn. Trong đức tin có thứ sức mạnh thúc đẩy thần kỳ.
4. Chống cự sự ngã lòng.
Hãy chống lại! Ngã lòng là một chọn lựa. Nếu bạn cảm thấy ngã lòng thì đó là do bạn đã cho phép mình cảm thấy như vậy. Chẳng ai ép bạn phải cảm thấy tồi tệ cả. Vì thế, hãy giữ vững! Hãy làm điều đúng bất chấp bạn cảm thấy thế nào. Cảm xúc nào rồi cũng sẽ qua đi.
Đức Chúa Trời không bao giờ khiến chúng ta nản lòng. Ngài có thể cho phép những hoàn cảnh khó khăn xảy ra nhưng mục đích của Ngài luôn là vì lợi ích của chúng ta và vì vinh quang của Ngài.
Và dù Chúa không chịu trách nhiệm về những nguyên nhân của sự nản lòng nhưng Ngài là Đấng chu cấp toàn bộ những phương thuốc cho sự nản lòng ấy. Vì vậy, hãy ở cạnh Ngài và tiếp tục tiến bước!