Thận trọng với những lời bạn nói

Cổ nhân có câu:

Lời nói không là dao
Mà cắt lòng đau nhói
Lời nói không là khói
Mà nghe mắt cay cay
Lời nói không là mây
Mà đưa ta xa mãi
Sao không ngồi nghĩ lại
Nói với nhau nhẹ nhàng
…”

Chúng ta thường cho rằng chỉ cần tâm mình tốt, có thiện ý muốn giúp đỡ đối phương như vậy là đủ rồi, không nhất thiết phải quá chú ý đến lời nói. Với bạn bè thân thiết hoặc người thân thì càng như vậy. Vì mối quan hệ không có khoảng cách, đôi bên đã quá hiểu nhau rồi nên không cần kiêng dè gì khi nói chuyện nữa. Thế nhưng, trên thực tế, những lời nói đùa vô ý và tưởng như vô hại ấy lại khiến người nghe bị tổn thương vô cùng, đặc biệt là người càng thân thiết với bạn, bởi mỗi lời bạn nói ra càng khiến họ để tâm.

 

Vậy nên, để tránh những hiểu lầm và tổn thương không đáng có, bạn hãy cẩn thận hơn với lời nói của mình, đặc biệt là với những người gần gũi và hiểu bạn nhất.

 

Phủ nhận hoặc không xem trọng sự tồn tại của đối phương

Điều này thường hay xuất hiện ở những người có cái tôi lớn hoặc những người tự xem mình quan trọng, có khả năng. Họ thường nói những câu kiểu như: Bạn có thể đừng làm phiền đến tôi được không? Bạn không thể im lặng à? Bạn không nói gì sẽ tốt hơn đó? Bạn làm ơn đi chỗ khác đi… 

 

Có thể đôi khi bạn chỉ là nói đùa một chút hoặc bạn đang có vấn đề gì cần yên tĩnh nên mới nói ra những lời như vậy với bạn bè và cho rằng họ nhất định sẽ hiểu mình. Thế nhưng, trên thực tế đều đã vô tình hạ thấp sự tồn tại của đối phương. Đừng cho đó là những câu vô thưởng vô phạt hay là cách nói hài hước. Bạn sẽ không biết được mức độ tổn thương mà chúng gây ra lớn như thế nào đâu.

 

Lần sau, nếu thật sự bạn cần đối phương đi hoặc giữ yên lặng, hãy nói nhẹ nhàng hơn, thẳng thắn và tinh tế hơn, ví dụ như: “Bây giờ tôi phải nói chuyện riêng với người này, bạn ngồi đây có thể sẽ không tiện cho lắm” hoặc “ Để tôi nói xong hết ý kiến của mình rồi chúng ra sẽ trao đổi cùng nhau nhé?”

 

Bình luận về khuyết điểm của đối phương

Con người ai cũng muốn được khen ngợi, đặc biệt lại càng muốn những người thân thiết khen ngợi mình. Thế nhưng, dường như chúng ta không quá để tâm đến điều đó. Với người thân, ta thường chẳng những không khen ngợi, khích lệ họ được câu nào mà còn rất hay nói những câu vô ý, thậm chí là vô duyên.

 

Ví dụ như: “Nếu mà bạn cao thêm mười phân nữa thì còn được”, “Bạn chả có cái ưu điểm gì hết hay sao ấy”, “Bạn nói chuyện chán quá đi!”, “Nếu bạn mà ở thời cổ đại thì nhất định là rất được chào đón nha.”. Hoặc nếu như có khen ngợi thì cũng phải kèm theo 1 lời chê bai nào đấy: “Anh đẹp trai quá, tiếc là hơi lùn.”, “Rõ ràng trông có vẻ rất thông minh, sao mà lại…?”  Có thể bạn không cố ý nói những câu nói châm biếm vòng vo kiểu đó nhưng nó sẽ khiến người nghe cảm thấy ngại ngùng và mất tự tin.

 

Nếu bạn thật sự nghĩ rằng họ có khuyết điểm, hãy nhìn vào điểm tốt trước khi “buông lời cay đắng”: “Tôi nghĩ rằng bạn đã gần như hoàn hảo rồi, nếu có thể làm thế này thì sẽ tốt hơn!”, “Tôi tin với khả năng của bạn, chỉ cần cố gắng hơn một chút thì nhất định sẽ…”, “Cũng may ông trời không cho bạn mọi thứ đều tốt, vẫn còn giữ lại một vài khuyết điểm nho nhỏ.”

 

Người xưa nói, người có tâm sáng thì nhìn gì cũng thấy đẹp, còn người bụng dạ hẹp hòi thì lúc nào cũng chỉ thấy khuyết điểm của người khác. Những gì bạn nhìn thấy ở người khác cũng chính là phản ánh thế giới nội tâm bên trong bạn, vậy nên hãy cẩn thận với từng lời mình nói ra.

 

Nói rằng hai bên không hiểu ý của nhau

Những câu nói mà bạn cho là thẳng thắn hoặc pha chút hài hước và tưởng như không vấn đề gì nhưng lại vô tình gây tổn thương, ví dụ như: “Tôi hoàn toàn không hiểu bạn đang nói gì nữa?”, “Rốt cuộc bạn có hiểu ý tôi hay không?”, “Thật sự rất khó nói chuyện được với bạn!”, “Lời tôi nói khó hiểu vậy sao?”, “Bạn từ ngoài hành tinh đến đó hả?”…

 

Đôi khi, không phải do người kia không hiểu ý bạn, mà vì chúng ta không đủ kiên nhẫn đợi họ hiểu. Vì vậy, nếu bạn cảm thấy họ hiểu sai, có lẽ bạn nên thử suy nghĩ xem liệu lời mình nói có rõ ràng hay không. Hoặc khi muốn người khác hiểu mình bạn cũng có thể giải thích lại. Ví dụ như: “Chắc tôi nói khó hiểu quá rồi, để tôi nói lại nhé!”, “Tôi diễn đạt không được tốt lắm, bạn có thấy lời tôi nói có chỗ nào khó hiểu không?”…

 

Hãy hạ thấp cái tôi của mình xuống, thừa nhận bản thân cũng mắc sai lầm và chịu trách nhiệm với cuộc giao tiếp của mình, mối quan hệ của bạn chắc chắn sẽ biến đổi và trở nên tốt hơn. Quan trọng nhất không phải ai đúng ai sai, càng không cần phải hơn thua người này thông minh, người kia kém cỏi. Sự bền vững của mối quan hệ mới là ý điều nghĩa nhất cho cuộc đời bạn. Đừng để bản thân hối hận bởi những câu nói vô tình.

 

Mưa bụi dù nhỏ vẫn dễ ướt áo, lời ác khẩu tuy ít cũng hại một đời người

 

Hiểu Minh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.