Phục vụ mục đích của Đức Chúa Trời trong thế hệ của bạn – MS Rick Warren

HTTL Hà Nội – Khi chúng ta vui mừng về cuộc đời và di sản mà Mục sư Billy Graham đã để lại, tôi thúc giục bạn đến biết Chúa Giê-xu Christ mà Mục sư Billy đã giảng trong hơn 60 năm, và tôi thúc giục bạn cam kết để “phục vụ mục đích của Đức Chúa Trời trong thế hệ của bạn” giống như Mục sư Billy đã làm – Mục sư Rick Warren (quản nhiệm Hội Thánh Saddleback) chia sẻ.

(Ngày Mục sư Billy qua đời, tôi đã dành cả ngày trả lời hàng tá các cuộc phỏng vấn về ảnh hưởng của ông ấy lên cuộc đời tôi. Đến cuối ngày, tôi viết những dòng chia sẻ này. Bức ảnh được lấy từ một trong những chuyến đi của tôi đến nhà người cố vấn của tôi trong nhiều năm.)

Mục sư Billy Graham là người lãnh đạo Cơ Đốc có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ 20. Ông giảng cá nhân cho nhiều người hơn bất cứ ai trong lịch sử – trên 215 triệu người. Với chức vụ toàn cầu trải dài trên 60 năm, chỉ có Giáo hoàng John Paul II và Mẹ Tê-rê-sa mới được kể đến là nổi tiếng trên toàn thế giới như vậy.

Sứ điệp của Mục sư Billy rất đơn giản và rõ ràng, và nó không bao giờ thay đổi: Bất kể bạn là ai hay bạn đã làm gì, Chúa không bao giờ ngừng yêu thương bạn và Ngài có một kế hoạch tốt đẹp và mục đích cho cuộc đời bạn. Bởi trong chúng ta không có ai hoàn hảo cả, chúng ta đều cần một Đấng Cứu Chuộc để tội lỗi được tha, để hiểu mục đích sống của chúng ta, và được về nhà nơi thiên đàng. Đó là lý do tại sao Đức Chúa Trời gửi Chúa Giê-xu đến để chết thay cho tội lỗi của chúng ta. Chúa ban cho chúng ta sự tha thứ và tự do cho bất cứ ai khiêm nhường ăn năn và tiếp nhận ân điển của Chúa thông qua Chúa Giê-xu, bất kể nhóm người hay tôn giáo nào.

Mục sư Rick Warren (quản nhiệm Hội Thánh Saddleback)

Lớn lên trong một gia đình Báp-tít, Mục sư Billy Graham đã từng là “giáo hoàng” của chúng tôi. Cuốn sách của Mục sư Billy Graham đầu tiên mà tôi đọc là Peace With God (Bình An với Chúa) khi tôi học lớp 6. Khi tôi 16 tuổi, tôi thấy mình được Chúa kêu gọi phục vụ trong chức vụ, tôi bắt đầu giảng trong các Hội Thánh và các nhóm truyền giảng đại chúng ở Bờ Biển Tây mỗi cuối tuần khi còn học trung học, vậy nên Mục sư Billy là người hùng và tấm gương của tôi. Bà tôi là người nữ cầu nguyện nên khi tôi bắt đầu giảng khi còn thiếu niên, bà thường bảo tôi “Hai người bà thường cầu thay mỗi ngày là Mục sư Billy Graham và cháu.”

Rồi sau đó, đến năm 1971, khi tôi 17 tuổi, tôi có nghe Mục sư Billy giảng ở cuộc truyền giảng Oakland, California. Tôi đã rất phấn khích về điều này. 3 năm sau, năm 1974 là ở Los Angeles, tôi đã gặp Mục sư Billy Graham lần đầu tiên khi tôi 20 tuổi. Cho đến lúc đó, tôi đã giảng cho hơn 120 cuộc truyền giảng cho người trẻ và bằng cách nào đó Mục sư Billy đã nghe về nỗ lực truyền giáo của tôi và ông để ý. Từ đó mối quan hệ cố vấn bắt đầu và kéo dài đến 40 năm tiếp theo. Thật khó để đo lường ảnh hưởng của Mục sư Billy Graham lên đời sống và chức vụ của tôi, ở Hội Thánh Saddleback và mạng lưới Purpose Driven trên toàn thế giới.

Là một người cố vấn, Mục sư Billy dạy tôi nhiều điều khác nhau ở những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời. Là một thiếu niên, ông đã là tấm gương của tôi về việc truyền giảng và kêu gọi người ta đến với Chúa Giê-xu. Nhưng những năm tôi 20 tuổi, chính những phẩm cách cá nhân của Mục sư Billy – sự chính trực, khiêm nhường và lòng rộng rãi của ông – đã ảnh hưởng rất lớn đến tôi.

Rồi, trong những năm tôi 30 tuổi, tôi bắt đầu nhìn thấy và biết ơn tính chiến lược trong cách Mục sư Billy tổ chức trong chức vụ, cách ông đổi mới và sử dụng công nghệ, và cách ông xây dựng những cây cầu đến với các nhóm khác nhau.

Cuối cùng, những năm tôi 50 tuổi, Mục sư Billy dạy tôi làm thế nào để trở thành một nhà chính khách trên trường quốc tế, và làm thế nào để làm việc với chính phủ mà không bị kết hợp vào bất kỳ nhóm chính trị nào. Ông còn dạy tôi sự nguy hiểm của việc ký vào những phát ngôn công khai.

Tôi có thể dễ dàng viết ra một cuốn sách về tất cả những cách mà Mục sư Billy Graham đã nắn lên cuộc sống của tôi và giúp tôi trong chức vụ. Ông đã dạy tôi rất nhiều bài học qua những cuộc trò chuyện và thư tín, tôi đồng thời nhận được nhiều bài học qua việc quan sát các thói quen của ông, cách ông hành xử trước công chúng, cách ông trả lời các câu hỏi, cách ông lãnh đạo các cuộc họp, và đặc biệt là cách ông kết nối với con người dù họ có niềm tin, lối sống và văn hóa khác nhau. Mục sư Billy đã sống một cuộc đời đáng để chúng ta học hỏi.

Mục tiêu của tôi không phải là sao chép sự kêu gọi của ông, nhưng là để học những phẩm chất ông có. Đức Chúa Trời kêu gọi Mục sư Billy trở thành nhà truyền giảng, đi khắp thế giới để làm chứng cho người ngoại, trong khi Chúa kêu gọi tôi chăm sóc một Hội Thánh. Hầu hết những chuyến đi quốc tế của tôi là để huấn luyện những mục sư khác, và lãnh đạo kế hoạch P.E.A.C.E (Ordinary people empowered by God making a difference together wherever they are – Những con người bình thường được Chúa thêm sức để cùng nhau tạo nên sự khác biệt ở bất cứ nơi đâu) của chúng tôi. Tất nhiên, nhiều kỹ năng và sự tin chắc cần có ở hai sự kêu gọi này là như nhau.

Kinh Thánh bảo chúng ta “Xin anh học hỏi các thế hệ đã qua, Và nghiền ngẫm kinh nghiệm mà tổ tiên để lại. Vì chúng ta mới ra đời hôm qua nên chẳng biết gì, Các ngày chúng ta trên đất khác nào một cái bóng. Họ không dạy anh, không nói chuyện với anh, Không dùng lời lẽ nói ra những hiểu biết của họ sao?” (Gióp 8:8-10)

Tác giả cuốn sách Sống đúng mục đích – Purpose Driven Life nổi tiếng khắp thế giới

Bất cứ ai trải qua 60 năm trong chức vụ mà không gặp bê bối đạo đức nào nên được chúng ta học hỏi. Nhiều người bắt đầu tốt nhưng kết thúc lại không tốt. Làm thế nào mà Mục sư Billy Graham có thể kết thúc tốt vậy? Đương nhiên, Mục sư Billy xây dựng đời sống và chức vụ của ông trên nền tảng vững chắc của Lời Chúa. Ông giảng lẽ thật của Chúa chứ không phải ý kiến con người. Ông đã có nhiều chọn lựa thông minh. Tôi sẽ đưa ra chỉ 4 điều sau đây, để đứng vững trong chức vụ và kết thúc tốt, chúng ta cần:

1/ Xây cuộc đời trên sự liêm chính, khiêm nhường và rộng rãi

Đây là những phẩm cách, không phải tài năng, mà bạn cần để có thể kết thúc cuộc đua. Tôi có một bài báo đóng khung trong văn phòng từ 25 năm trước với tiêu đề “Mục sư Billy Graham bước sang tuổi 75 với sự liêm chính nguyên vẹn” Tôi đóng khung nó lại, bởi vì đối với tôi, đó là định nghĩa của thành công thực sự và kết thúc tốt. Mục sư Billy đã kết thúc thực sự tốt đẹp bởi phẩm cách của ông. Ông sống với sự khiêm nhường, sự liêm chính và lòng rộng rãi, chính là thuốc giải của 3 cái bẫy thường gặp nhất trong lãnh đạo: sự kiêu ngạo, tình dục và tiền bạc.

Mục sư Billy đã làm gương sự khiêm nhường. Ông không bao giờ quên nguồn gốc của một cậu bé thôn quê, giá trị của thị trấn nhỏ của ông, và sự thật là mọi thứ ông có đều là món quà từ Chúa. Người khiêm nhường là người tốt bụng và Mục sư Billy cư xử tốt với tất cả mọi người. Người tuyệt vời khiến người khác cảm thấy tuyệt vời, trong khi người nhỏ bé đánh giá thấp con người. Mục sư Billy dạy tôi ngó lơ cả người nịnh hót lẫn người tấn công – sự cổ vũ và chế nhạo từ phía đường biên, mà thay vào đó là tập trung vào cuộc đua Chúa đã kêu gọi.

Mục sư Billy đã làm gương rằng sự liêm chính cá nhân là lựa chọn hàng ngày. Ông thiết lập nên một giới hạn rõ ràng về đạo đức và tài chính trong cuộc sống và chức vụ của ông để tôi học hỏi. Sách 10 hướng dẫn về đạo đức cho nhân viên Saddleback của chúng tôi dựa trên những giới hạn mà Mục sư Billy đã đặt ra với đội của mình. Chúng tôi sử dụng nó đã gần 40 năm.

Mục sư Billy làm gương cho sự rộng rãi. Danh sách những mục vụ khác mà Mục sư Billy gây quỹ khá dài và rộng.

2/ Hãy là người xây cầu, không phải xây tường. Hãy là người hợp nhất, không phải người chia rẽ

Trong những năm 1950 và 1960 Mục sư Billy nhất quyết rằng các nhóm truyền giảng nên được hợp nhất. Ở một vài thành phố phía Nam nước Mỹ, các nhóm truyền giảng của Graham công bố hợp nhất về mặt chủng tộc. Nhưng Mục sư Billy cũng khẳng định rằng cần có sự hợp nhất về tôn giáo. Ông đặt Công Giáo và Tin Lành, người ủng hộ thuyết Calvin và người theo hệ phái Ân Tứ, Chính Thống Cực Đoan và Tin Lành Thuần Túy, Tự Do và Bảo Thủ, tất cả ở cùng nhau. Ông bị chỉ trích vì đều này, nhưng ông biết rằng Chúa ban phước cho sự hiệp một và hòa hợp.

Bằng việc không can thiệp vào cuộc chiến các phe phái, Mục sư Billy có thể thực hiện chức vụ của mình với tất cả các chính trị gia và với cả hai đảng phái. Bằng việc đứng ngoài sự mâu thuẫn và cạnh tranh giữa các hệ phái, ông có thể phục vụ mọi giáo hội. Mục sư Billy Graham được cả thế giới yêu mến bởi ông yêu thương cả thế giới! Ông là một nhà chính khách Cơ Đốc nhân từ.

Mục sư Billy quan tâm hơn đến sự đời đời của người ngoại hơn là sự quý mến của những người tin Chúa không muốn ông giao lưu với nhóm người “không thánh khiết”. Nhưng là một nhà truyền giáo, bạn dành hầu hết thời gian nói chuyện với những người không tin và sống giống như bạn.

Mục sư Billy dạy tôi rằng để chạm đến con người, đôi khi bạn phải bỏ qua sự ngăn cách về tôn giáo và chính trị. Để trở thành người xây cầu bạn cần bước qua vạch trước. Khi Mục sư Billy nhận lời giảng ở Nga, Triều Tiên và các nước Cộng Sản khác, ông bị chỉ trích thậm tệ bởi những người coi trọng chính trị hơn Phúc Âm. Người chỉ trích nói “Họ sẽ sử dụng ông như con tốt trong sự tuyên truyền của họ” nhưng tôi biết rằng thái độ của Mục sư Billy là dù cho chuyện đó có xảy ra, ông sẽ sử dụng nó để Phúc Âm được lan rộng, và Phúc Âm về tình yêu thương của Đấng Christ thì đầy năng quyền hơn bất cứ một kiểu mẫu chính trị nào.

Tôi cũng từng bị tấn công và bị hiểu nhầm khi nhận lời giảng cho nhóm người theo Đạo Hồi, Đạo Phật, người vô thần, người đồng tính, người ngoại tự do, và Cơ Đốc nhân chính thống cực đoan. Nhưng tôi được kêu gọi bởi Chúa để chia sẻ Tin Lành bất cứ nơi nào có thể, và bạn không thể mang kẻ thù đến với Đấng Christ, chỉ có bạn bè mà thôi.

Trước khi có thể giúp đỡ người khác tin cậy Chúa Giê-xu, họ phải tin cậy bạn trước. Trước khi họ chấp nhận rằng Kinh Thánh là đáng tin, họ muốn biết bạn có đáng tin không? Để được Chúa sử dụng như người xây cầu cho Phúc Âm bạn cần phải sẵn lòng trở nên người không được yêu thích với những người chỉ thích xây tường. Mục sư Billy dạy tôi rằng chúng ta cần mang Phúc Âm đi bất cứ nơi đâu, dù cho chúng ta có bị hiểu nhầm, chỉ trích hay kết án tội.

3/ Hãy trở thành người khích lệ, không phải người chỉ trích

Mọi người đều cần sự khích lệ, và có những lần trong chức vụ sự khích lệ của Mục sư Billy Graham đến đúng lúc tôi cần.

Một trong những vật sở hữu quý giá nhất mà tôi có là những bức thư và giấy ghi chú cá nhân Mục sư Billy viết để khích lệ tôi qua thời gian. Có một tờ ghi chú ông ấy gửi cho tôi sau khi xem tôi được phỏng vấn lần đầu trên chương trình Larry King. Những lời khích lệ của ông ấy được tôi đóng khung lại treo trên tường phòng làm việc, đặt ở giữa những bức thư của Mẹ Tê-rê-sa và Martin Luther King. Tôi chắc rằng có nhiều người khác cũng nhận được những ghi chú tương tự vậy bởi bản tính tự nhiên của Mục sư Billy là khích lệ người khác trong chức vụ.

Một lần khác, Mục sư Billy bảo tôi bay đến nhà ông cho ông biết cập nhật mới về kế hoạch P.E.A.C.E ở 197 quốc gia, lời khen của ông khích lệ tôi rất nhiều. Sau khi tôi chia sẻ bài báo cáo 2 tiếng đồng hồ, Mục sư Billy nói với tôi khi mắt rưng rưng “Rick, đây là khải tượng tuyệt vời nhất tôi từng được nghe. Tôi chỉ ước được nhìn thấy nó xảy ra!” Sự khích lệ của Graham khiến tôi cũng rưng rưng nước mắt.

4/ Chia sẻ bục giảng với thế hệ kế cận

Chúng ta cần có cái nhìn dài hạn, nhận ra rằng chức vụ của chúng ta chỉ là một kỳ ngắn trong một hàng dài các đầy tớ của Đức Chúa Trời. Rất nhiều người đã phục vụ Chúa trước chúng ta, và cũng rất nhiều người sẽ phục vụ sau khi chúng ta qua đời. Một phần trách nhiệm của mỗi thế hệ là thiết lập thế hệ kế cận sao cho hiệu quả. Tôi thấy Mục sư Billy làm điều này lặp đi lặp lại, không phải chỉ với tôi, nhưng với rất nhiều người khác.

Khi còn ở đại học, tôi đã viết cuốn sách đầu tiên có tên Phương Pháp Học Kinh Thánh của Warren (Warren’s Bible Study Methods). Mục sư Billy có một bản sách, và trong những năm đầu thập niên 80, khi ông tổ chức Đại Hội Truyền Giáo Toàn Cầu – 10 ngày huấn luyện ở Amsterdam, Mục sư Billy đã gọi tôi và nói “Rick, tôi muốn cậu đến dạy cho 13,000 nhà truyền giáo ở đây từ 190 quốc gia về việc tự học Kinh Thánh như thế nào.” Ông ấy mua sách của tôi ở 17 ngôn ngữ và cung cấp một bản miễn phí cho 13.000 người tham dự.

Lúc đó tôi mới khoảng hơn 20 tuổi và có rất ít tự tin về khả năng viết của mình, nhưng khi Mục sư Billy chia sẻ bục giảng của ông với tôi, tôi đã nghĩ “Nếu Mục sư Billy nghĩ khả năng viết của tôi đủ tốt để chia sẻ với các lãnh đạo ở đây, có lẽ tôi nên tiếp tục viết.” Cuốn Purpose Driven Life (Sống đúng mục đích) có thể không bao giờ được viết ra nếu Mục sư Billy Graham không tin tưởng tôi. Vậy nên giờ đây, tôi luôn tìm cách khích lệ và chia sẻ bục giảng của mình với những tác giả trẻ và các mục sư.

Nhiều thập kỷ sau, khi tôi được mời cầu nguyện mở đầu lễ nhậm chức của Tổng thống George Bush, và 4 năm sau là Tổng thống Obama, lời khuyên riêng của Mục sư Billy thật vô cùng quý giá. Ông ấy thậm chí còn đưa tôi chiếc mũ ông đội khi cầu nguyện cho kỳ nhậm chức trước. Ông gửi nó đến cho tôi như một sự bất ngờ đi kèm với tờ ghi chú “Rick, Đến lúc của cậu rồi đó. Tôi tin tưởng cậu! Hãy đội chiếc mũ này! Thân ái, Mục sư Billy” Và tôi đã đội nó.

Mọi người thường hỏi “Ai sẽ là Mục sư Billy Graham tiếp theo?” và câu trả lời của tôi luôn là: Sẽ không bao giờ có sự thay thế! Không chỉ Mục sư Billy không thể bị thay thế mà thế giới cũng đang thay đổi không ngừng. Ở mỗi một thế hệ Chúa dấy lên những người nam người nữ làm theo ý Ngài theo những cách mới. Cuộc đời tôi như Công Vụ 13:36 nhưng tôi nghĩ đây cũng là mô tả tuyệt vời về cuộc đời và chức vụ của Mục sư Billy Graham. Khi nói về vua Đa-vít, “Thế mà sau khi phục vụ cho mục đích của Đức Chúa Trời trong thời đại mình, vua Đa-vít đã qua đời.” Đối với tôi, đây là định nghĩa tốt nhất về một cuộc đời thành công: phục vụ cho mục đích của Đức Chúa Trời (và nó là muôn thuở) trong thế hệ của bạn (có giới hạn) để làm những gì đời đời và không thay đổi trong một thế giới luôn thay đổi không ngừng, và đó là điều duy nhất còn lại đời đời.

Khi chúng ta vui mừng về cuộc đời và di sản của một đức tin vĩ đại ấy, tôi thúc giục bạn đến biết Chúa Giê-xu Christ mà Mục sư Billy đã giảng trong hơn 60 năm, và tôi thúc giục bạn cam kết để “phục vụ mục đích của Đức Chúa Trời trong thế hệ của bạn” giống như Mục sư Billy đã làm.

Tin bài: Tuyết Mai
Lược dịch từ: Facebook Mục sư Rick Warren

 

 

 

One Reply to “Phục vụ mục đích của Đức Chúa Trời trong thế hệ của bạn – MS Rick Warren”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.