“Khi giận thì đừng phạm tội.” (Ê-phê-sô 4:26a – BDM) .Tất cả chúng ta đều có lúc tức giận. Chúng ta có thể xử lý cơn giận khác nhau, nhưng không ai trong chúng ta có thể hoàn toàn thoát khỏi cảm xúc tức giận. Nhưng chỉ tức giận thôi thì không có nghĩa là chúng ta đang phạm tội.
Kinh Thánh chép: “Khi giận thì đừng phạm tội.” (Ê-phê-sô 4:26a – BDM). Trong phân đoạn Kinh Thánh này, Phao-lô khuyên chúng ta đừng để cho cơn giận dẫn mình đến chỗ phạm tội. Điều đó có nghĩa sự tức giận không nhất thiết là tội lỗi. Sự thật là, chúng ta có thể giải quyết cơn giận của chúng ta bằng cả hai cách đúng và sai.
Thật đáng tiếc, hầu hết chúng ta đều bộc lộ sự giận dữ của mình theo những cách kéo chúng ta xa khỏi những mục tiêu của mình thay vì đẩy chúng ta đến gần chúng hơn.
Chẳng hạn, đây là ba điều cần tránh khi đang tức giận:
Đừng đè nén cơn giận của bạn. Đừng cất giữ chúng trong lòng. Khi bạn đè nén cơn giận của mình mà không biểu lộ nó ra đúng cách, nó cũng giống như việc bạn lấy một chai nước uống có ga và cầm lắc nó. Trước sau gì nó cũng sẽ nổ tung! Cuối cùng nó sẽ tổn hại đến thân thể của bạn. Các bác sĩ cho chúng ta biết rằng nhiều chứng bệnh trong cơ thể thường do sự giận dữ bị đè nén đem đến.
Đừng che giấu nó. Khi bạn che giấu sự tức giận của mình, bạn đơn giản là phủ nhận nó đang có ở đó. Thường xuyên phủ nhận cơn giận của mình bạn sẽ bị trầm cảm. Khi còn làm công tác tư vấn thường xuyên hơn, tôi nghe nhiều người bảo tôi rằng họ bị trầm cảm, nhưng họ thật sự chỉ tức giận mà thôi. Họ chỉ không nghĩ rằng Cơ Đốc nhân nên tức giận, vì thế họ cứ giữ trong lòng. Che giấu sự tức giận là một tội. Đó là tội nói dối.
Đừng bộc lộ nó bằng những cách không phù hợp. Chúng ta có thể bộc lộ cơn giận của mình bằng nhiều cách không phù hợp. Chúng ta bĩu môi, thốt ra những lời mỉa mai, lôi kéo, hoặc làm những việc ngốc nghếch (như say xỉn, ngoại tình, v.v.). Không một cách nào trong những cách đó dẫn chúng ta đến gần mục đích mà mình đang tìm kiếm cả.
Vậy thì chúng ta nên làm gì với cơn giận của mình?
Xưng nhận nó. Bạn không chỉ thừa nhận cơn giận, nhưng bạn còn thừa nhận nguyên nhân của nó nữa. Hãy nói với Chúa – và với người nào mà bạn đang tức giận – rằng bạn cảm thấy nản lòng hoặc bạn cảm thấy bị đe dọa. Bạn càng có thể thành thật trong những mối quan hệ của mình chừng nào, thì càng dễ dàng tìm đến gốc rễ của lý do cơn giận của bạn chừng nấy.
Đây là tin vui về cơn giận của bạn: Có thể bạn đã lớn lên trong một gia đình mà sự giận dữ thường xuyên được bộc lộ không đúng cách. Giận dữ không đúng cách là do học được, nhưng nó cũng có thể không học lại được. Bạn có thể thay đổi. Bạn không cần phải ở trong tình trạng đó mãi.
Thảo luận
Gia đình bạn đã giải quyết sự giận dữ như thế nào khi bạn đang lớn lên?
Cách nào trong ba cách không phù hợp để giải quyết sự giận dữ mà bạn có xu hướng muốn dùng đến? Gia đình bạn sẽ nói bạn thường dùng cách nào?
Bạn đang đối diện với cơn giận gì? Chúa muốn bạn xử lý nó như thế nào?