Mỗi chúng ta, trong cuộc đời đều phải gặp những chuyện không thuận lòng, phải gặp những người khó chung thân đồng tại. Ngoài thân nhân trong gia đình thì còn có bằng hữu, đồng nghiệp, họ đều vô tình hay hữu ý nói ra những lời làm tổn thương chúng ta. Khi ấy, bạn sẽ làm gì? Kỳ thực, biện pháp tốt nhất chính là thay đổi tâm thái của bản thân, thay đổi chính mình chứ không phải là đối phương.
Thay đổi người khác chính là làm khó chính mình
Có người cho rằng: “Rõ ràng là người khác sai, tại sao tôi phải thay đổi bản thân mình?”. Nguyên nhân rất đơn giản: Chỉ cần thay đổi tâm thái, suy nghĩ theo chiều hướng đơn giản, thì ở với bất kỳ ai bạn cũng có thể vui vẻ hòa đồng. Còn nếu như chúng ta chỉ mong muốn thay đổi tất cả những người làm mình tổn thương, thì điều chúng ta đón nhận chỉ là sự dằn vặt khổ đau.
Có câu nói, đại ý rằng: Chúng ta không có đủ da bò bao trùm khắp mặt đất để đi cho đỡ đau, nhưng chỉ cần một miếng da nhỏ bao bọc chân mình là đủ. Đạo lý ở đây cũng tương đồng như vậy, chúng ta không thể thay đổi tất cả những người xung quanh, cũng không thể thay đổi những sự việc bên ngoài, mà chỉ có thể thay đổi nội tâm, thay đổi tự bản thân mình.
Vậy cụ thể phải thay đổi thế nào? Khi điều gì đó làm ta khó chịu, thì ý niệm đầu tiên sẽ là tại sao họ làm như vậy, tại sao lại làm cách này, sao có thể làm ra cái việc khiến người khác bực tức thế này cơ chứ?
Suy nghĩ ấy cũng giống như con ngựa bất kham, khiến chúng ta càng nghĩ càng bực, sau cùng rất có thể còn khiến chúng ta thay đổi, khiến chúng ta đánh mất đi chính mình.
Vậy khi gặp những vấn đề như vậy, hãy thử nhìn mọi việc theo chiều hướng ngược lại
(1) Khi chúng ta gặp phải việc không vui, hãy tự nhủ lòng mình: Sự việc này đã diễn ra, con người này ta cũng đã gặp… Vậy tại sao ta không thử mở lòng mình, thử đặt vào vị trí đối phương xem liệu ở vị trí họ, mình sẽ xử lý ra sao? Và nếu chấp nhận điều này, thì có ảnh hưởng đến mình không? Tin chắc rằng sau khi làm như vậy, mỗi chúng ta đều sẽ mở rộng tấm lòng hơn, sống trọn vẹn hơn, và cũng bao dung độ lượng hơn.
(2) Cũng như con sông không thể chảy hai dòng, chúng ta có muốn cũng chẳng thể khiến nó ngược dòng mà chảy, cuối cùng kết quả chỉ là tự tìm phiền phức cho mình. Con người cũng như thế, nếu như ngay cả niềm vui và nỗi buồn cũng phụ thuộc vào người khác thì e rằng thứ chúng ta có được cũng chỉ là hoa trong gương, trăng dưới nước, mong manh vô thực.
(3) Và bây giờ, hãy thử nghĩ xem tại sao ta lại gặp phải chuyện này, phải chăng ta có chỗ nào đó không đúng khiến đối phương phải vậy, và sự việc này xảy ra, ta học được điều gì?
Tin rằng sau khi làm được như vậy, bạn sẽ phát giác rằng bản thân mình đã không còn khó chịu như lúc ban đầu nữa. Mọi chuyện qua đi cũng thật nhẹ nhàng, tâm thái cũng thật rộng mở bao dung.
Minh Vũ biên dịch