ĐỜI SỐNG CỦA LÓT
Sáng-thế Ký 11:26-32; 12:1-9; 13:1-13; 14:1-17; 19:1-38
Lu-ca 17:32; II Phi-e-rơ 2:6-8
Bài giảng của cố Mục sư Lưu Văn Mão
Lót là con trai của Ha-ran, cháu nội của ông Tha-rê, gọi Áp-ra-ham bằng bác ruột, theo Thánh Kinh Lược Khảo trang 100 thì Áp-ra-ham là con đầu lòng của ông Tha-rê.
Cha Lót chết sớm nên Áp-ra-ham đem Lót về nuôi dưỡng và gây dựng. Áp-ra-ham đi đâu cũng đem Lót theo, khi bình an cũng như khi hoạn nạn, Áp-ra-ham luôn tỏ độ lượng tốt đối với cháu mình, lại cũng gây dựng cho cháu có một cơ nghiệp khả quan. Nhưng tiếc thay, Lót thiếu tinh thần tôn kính đối với Áp-ra-ham, lại cũng có lòng tham lợi, nên không thể ở chung được, đành phải chia rẽ. Sau khi Lót lìa khỏi Áp-ra-ham rồi thì gặp biết bao tai nạn thảm khốc: Sự nghiệp tan tành, gia đình cũng tan nát, sống trong nhục nhã, bi thương! Tiếng để ngàn thu, danh lưu muôn thuở! Chuyện Lót được chép vào Kinh Thánh là để răn dạy muôn đời. Tôi xin lược qua đôi điều sau đây:
Vì đời sống của Lót:
- Chú trọng vật chất:
- a) Chọn phần tốt nhứt cho mình. Không kính sợ Chúa, không nghĩ đến tình cốt nhục đối với bác mình. Sáng-thế Ký 13:5-11
- b) Sau khi Áp-ra-ham nhượng phần tốt nhứt cho cháu mình thì Đức Chúa Trời ban phước cho Áp-ra-ham vượt quá sự suy tưởng Sáng-thế Ký 13:14-15,18. Lót chỉ thấy một phía, còn Áp-ra-ham thì thấy bốn phía, cả bề dài, bề ngang nữa..
- Khuynh hướng thế gian:
- a) Dời trại đến Sô-đôm Sáng-thế Ký 13:12-13. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Lót không ở với Thánh nhân mà ở với tội nhân, nguy hiểm biết là dường nào: “Hỡi bọn tà dâm kia, anh em há chẳng biết làm bạn với thế gian tức là thù nghịch với Đức Chúa Trời sao? Cho nên, ai muốn làm bạn với thế gian, thì người ấy trở nên kẻ nghịch thù cùng Đức Chúa Trời vậy.” (Gia-cơ 4:4)
- b) Lót lâm nạn tại Sô-đôm Sáng-thế Ký 14:1-12. Áp-ra-ham đã giải cứu Lót Sáng-thế Ký 14:14-16 nhưng Lót không có một lời cảm ơn.
- c) Trở lại Sô-đôm lần nữa: Lần này Lót ngồi tại cửa thành Sáng-thế Ký 19:1. Ngồi làm chi? Làm việc hay là xem các cuộc vui chơi? “Nhưng về phần kẻ ưa sự vui chơi, thì dẫu sống cũng như chết.” (I Ti-mô-thê 5:6) Lót làm quan, vì Sáng-thế Ký 19:9 chép: “Bọn dân chúng nói rằng: Ngươi hãy tránh chỗ khác! Lại tiếp rằng: Người nầy đến đây như kẻ kiều ngụ, lại muốn đoán xét nữa sao! Vậy, thôi! chúng ta sẽ đãi ngươi bạc-tệ hơn hai khách kia. Đoạn, họ lấn ép Lót mạnh quá, và tràn đến đặng phá cửa.”
- Lìa xa chân lý:
- a) Không lập bàn thờ cho Chúa. Lót đã sống với Áp-ra-ham từ khi còn nhỏ, đã từng thấy Áp-ra-ham luôn luôn lập bàn thờ cho Chúa nhiều nơi, nhưng chính ông không bao giờ lập một bàn thờ cho Chúa. “Đức Giê-hô-va hiện ra cùng Áp-ram mà phán rằng: Ta sẽ ban cho dòng dõi ngươi đất nầy! Rồi tại đó Áp-ram lập một bàn thờ cho Đức Giê-hô-va, là Đấng đã hiện đến cùng người. Từ đó, người đi qua núi ở về phía đông Bê-tên, rồi đóng trại; phía tây có Bê-tên, phía đông có A-hi. Đoạn, người lập tại đó một bàn thờ cho Đức Giê-hô-va và cầu khẩn danh Ngài” (Sáng-thế Ký 12:7-8), “là nơi đã lập một bàn thờ lúc trước. Ở đó Áp-ram cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va” (Sáng-thế Ký 13:4), “Đoạn Áp-ram dời trại mình đến ở nơi lùm cây dẻ bộp tại Mam-rê, thuộc về Hếp-rôn, và lập tại đó một bàn thờ cho Đức Giê-hô-va” (Sáng-thế Ký 13:18).
- b) Không cầu nguyện Chúa. Áp-ra-ham hay cầu khẩn danh Chúa, nhưng Lót không bao giờ làm điều đó, dầu có hai vị thiên sứ đến ở trong nhà cũng vậy. “Lối chiều, hai thiên sứ đến Sô-đôm; lúc đó, Lót đang ngồi tại cửa thành. Khi Lót thấy hai thiên sứ đến, đứng dậy mà đón rước và sấp mình xuống đất. Người thưa rằng: Nầy, lạy hai chúa, xin hãy đến ở nhà của kẻ tôi tớ, và hãy nghỉ đêm tại đó. Hai chúa hãy rửa chân, rồi sáng mai thức dậy lên đường. Hai thiên sứ phán rằng: Không, đêm nầy ta sẽ ở ngoài đường. Nhưng Lót cố mời cho đến đỗi hai thiên sứ phải đi lại vào nhà mình. Người dâng một bữa tiệc, làm bánh không men, và hai thiên sứ bèn dùng tiệc”(Sáng-thế Ký 19:1-3). Cầu nguyện phải là hơi thở..
- c) Không tin lời Chúa. Sáng-thế Ký 19:15-16: “Đến sáng, hai thiên sứ hối Lót và phán rằng: Hãy thức dậy, dẫn vợ và hai con gái ngươi đang ở đây ra, e khi ngươi cũng chết lây về việc hình phạt của thành nữa chăng. Nhưng Lót lần lữa; vì cớ Đức Giê-hô-va thương xót Lót, nên hai thiên sứ nắm lấy tay kéo người, vợ cùng hai con gái người, và dẫn ra khỏi thành.”Áp-ra-ham tin nhưng Lót không tin (Sáng-thế Ký 15:6). Dân thành Ni-ni-ve tin lời Đức Chúa Trời sẽ hủy diệt thành Ni-ni-ve được loan báo bởi Giô-na (Giô-na 1:1-2; 3:1-9), và từ dân cho đến vua đều ăn năn tội lỗi mình nên Đức Chúa Trời đã không hủy diệt thành đó: “Bấy giờ Đức Chúa Trời thấy việc họ làm đều đã xây bỏ đường lối xấu của mình; Đức Chúa Trời bèn ăn năn sự họa mà Ngài đã phán sẽ làm cho họ, và Ngài không làm sự đó” (Giô-na 3:10).
Nên thảm khốc bi thương:
- a) Mất quyền trong lời nói, nói không ai nghe: Người đời không nghe (Sáng-thế Ký 19:4-7,9). Người trong nhà cũng không nghe (Sáng-thế Ký 19:12-14). Ngược lại, lời nói của Giô-na, vua và cả thành Ni-ni-ve đều nghe.
- b) Mất sạch sản nghiệp (Sáng-thế Ký 19:23-25). Tranh giành với Áp-ra-ham làm chi, bây giờ bị thiêu hủy cả. “Có một tai nạn dữ mà ta đã thấy dưới mặt trời: ấy là của cải mà người chủ dành chứa lại, trở làm hại cho mình, hoặc vì cớ tai họa gì, cả của cải nầy phải mất hết; nếu người chủ sanh được một con trai, thì để lại cho nó hai tay không. Mình lọt ra khỏi lòng mẹ trần truồng thể nào, ắt sẽ trở về thể ấy, và về các huê lợi của sự lao khổ mình, chẳng có vậy gì tay mình đem theo được.”(Truyền Đạo 5:13-15), “Vả, sự tin kính cùng sự thỏa lòng ấy là một lợi lớn. Vì chúng ta ra đời chẳng hề đem gì theo, chúng ta qua đời cũng chẳng đem gì đi được. Như vậy, miễn là đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng; Còn như kẻ muốn nên giàu có, ắt sa vào sự cám dỗ, mắc bẫy dò, ngã trong nhiều sự tham muốn vô lý thiệt hại kia, là sự làm đắm người ta vào sự hủy diệt hư mất. Bởi chưng sự tham tiền bạc là cội rễ mọi điều ác, có kẻ vì đeo đuổi nó mà bội đạo, chuốc lấy nhiều điều đau đớn.” (I Ti-mô-thê 6:6-10), “Các ngươi chớ chứa của cải ở dưới đất, là nơi có sâu mối, ten rét làm hư, và kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy; nhưng phải chứa của cải ở trên trời, là nơi chẳng có sâu mối, ten rét làm hư, cũng chẳng có kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy. Vì chưng của cải ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó” (Ma-thi-ơ 6:19-21).
- c) Mất luôn cả vợ Sáng-thế Ký 19:26 Ngó lại sau: nhà cửa, đồ đạc, lúa gạo, heo gà, chiên bò, lừa ngựa, lạc đà… Lót mất vợ, hai con gái mất chồng. Ôi.. chúng ta hãy coi chừng, kẻo có kẻ mất chồng, có người mất vợ. “Hãy nhớ lại vợ của Lót” (Lu-ca 17:32).
- d) Mất hết can thường, luân lý. Hai con gái của Lót phục rượu cho cha (Sáng-thế Ký 19:30-35). Tại sao hai con gái của Lót dám làm điều đại ác nầy? Vì thiếu giáo dục. Lót không dạy con, nên lãnh đủ. Chúa đã phán:“Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; Dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó” (Châm Ngôn 22:6), Giô-sép được dạy dỗ nên: “Sau các việc nầy, vợ chủ đưa mắt cùng Giô-sép, mà nói rằng: Hãy lại nằm cùng ta. Chàng từ chối và đáp rằng: Chủ đã giao nơi tay tôi mọi vật của người, và nầy, chủ chẳng lo biết đến việc chi trong nhà nữa; trong nhà nầy chẳng ai lớn hơn tôi, và chủ cùng không cấm chi tôi, trừ ra một mình ngươi, vì là vợ của chủ tôi. Thế nào tôi dám làm điều đại ác dường ấy, mà phạm tội cùng Đức Chúa Trời sao? Thường ngày người dỗ dành mặc dầu, thì Giô-sép chẳng khứng nghe lời dụ dỗ nằm cùng hay là ở cùng người chút nào” (Sáng-thế Ký 39:7-10) . “Vậy, hai con gái của Lót do nơi cha mình mà thọ thai. Nàng lớn sanh được một con trai, đặt tên là Mô-áp; ấy là tổ phụ của dân Mô-áp đến bây giờ. Người em cũng sanh đặng một con trai, đặt tên là Bên-Am-mi; ấy là tổ phụ của dân Am-môn đến bây giờ” (Sáng-thế Ký 19:36-38), những người con được sinh ra từ sự loạn luân này đều bị mất phước: “Dân Am-môn và dân Mô-áp sẽ không được phép vào hội Đức Giê-hô-va, dầu đến đời thứ mười cũng chẳng hề bao giờ vào được” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 23:3);Nê-hê-mi 13:1,2 chép: “Trong ngày đó, người ta đọc sách Môi-se có dân sự nghe; trong đó có chép rằng người Am-môn và người Mô-áp đời đời không được vào hội của Đức Chúa Trời, bởi vì chúng nó không đem bánh và nước đến đón dân Y-sơ-ra-ên, song dùng bạc thỉnh Ba-la-am đến rủa sả dân Y-sơ-ra-ên (nhưng Đức Chúa Trời chúng tôi đổi sự rủa sả ra sự phước hạnh)”. Nô-ê sau khi được cứu khỏi nước lụt, rồi say rượu và lõa thể. Lót sau khi được cứu khỏi lửa diêm sinh, cũng say rượu và dâm loạn, thật đáng buồn thay! Bởi đó Kinh Thánh dạy: “Rượu khiến người ta nhạo báng, đồ uống say làm cho hỗn hào; Phàm ai dùng nó quá độ, chẳng phải là khôn ngoan”(Châm-ngôn 20:1), “Đừng say rượu, vì rượu xui cho luông tuồng; nhưng phải đầy dẫy Đức Thánh Linh” (Ê-phê-sô 5:18). “Điều thiện ấy là đừng ăn thịt, đừng uống rượu, và kiêng cữ mọi sự chi làm dịp vấp phạm cho anh em mình” (Rô-ma 14:21). Lót được cứu như kẻ cháy nhà thoát thân. Lót được cứu là bởi Đức Chúa Trời nhớ đến Áp-ra-ham: “Vả, khi Đức Chúa Trời hủy diệt các thành nơi đồng bằng, tức là thành Lót ở, thì nhớ đến Áp-ra-ham, cứu Lót ra khỏi chốn phá tan đó”(Sáng-thế Ký 19:29). Lót được kể là công bình là do sự thương xót của Đức Chúa Trời: “Nhưng Lót lần lữa; vì cớ Đức Giê-hô-va thương xót Lót, nên hai thiên sứ nắm lấy tai kéo người, vợ cùng hai con gái người, và dẫn ra khỏi thành” (Sáng-thế Ký 19:16”, II Phi-e-rơ 2:6-8 chép: “nếu Ngài đã đoán phạt thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ, hủy phá đi khiến hóa ra tro, để làm gương cho người gian ác về sau; nếu Ngài đã giải cứu người công bình là Lót, tức là kẻ quá lo vì cách ăn ở luông tuồng của bọn gian tà kia, (vì người công bình nầy ở giữa họ, mỗi ngày nghe thấy việc trái phép của họ bèn cảm biết đau xót trong lòng công bình mình),” .
Thật đáng thương cho đời sốngcủa Lót:
Vì lương tâm mờ mà không thấy Chúa
Vì tư lợi mà không thấy bác
Vì rượu mà không thấy con
Vì sự vui chơi của đời mà không thấy tai nạn
Vì tham của dưới đất mà mất phước trên trời.
Ôi, xét xem đời Lót trước sau
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng!
Nguyện Chúa cứu chúng ta thoát khỏi ảnh hưởng của đờisống Lót. Amen!
02/7/1977
Mục sư Lưu Văn Mão