Xe cấp cứu Khushi (Ấn Độ)

“Chiếc xe này miễn phí cho các bệnh nhân” là tinh thần của ông Vijay Thakur – “người taxi không bao giờ nói không”

Vào những năm 1980, Vijay Thakur là một kỹ sư cơ khí sinh sống tại Mumbai. Ông có một cuộc sống ổn định cùng sự nghiệp thông suốt. Mức lương của Vijay Thakur kiếm được đủ để ông và gia đình nhỏ của mình có một cuộc sống sung túc. Vào năm 1982, vợ ông mang thai đứa con đầu lòng, niềm hạnh phúc của Vijay Thakur tưởng như không thể viên mãn hơn.Nỗi đau thay đổi cả cuộc đời

Cho đến một đêm, sự việc xảy ra đã thay đổi toàn bộ cách nghĩ và cuộc sống của người kỹ sư này. Đêm đó, người vợ đang mang thai những tháng đầu của ông đột nhiên đau bụng. Không thể tự mình xử lý, Vijay Thakur ngay lập tức gọi taxi để đưa vợ ông đi cấp cứu. Nhưng lúc đó trời đã về khuya và không một tài xế nào dừng lại trước tín hiệu gọi xe của ông. 

Quá sốt ruột, Vijay Thakur đã phải chạy tới trạm taxi Andheri để gọi xe. Ông chấp nhận trả 300 rupi (tương đương với 3000 rupi ở thời điểm hiện tại). Nhưng khi vợ ông được đưa đến bệnh viện, bà đã không còn giữ được đứa trẻ. Các bác sĩ nói, nếu ông có thể đưa bà ấy đến sớm hơn thì có lẽ đứa trẻ sẽ còn cơ hội. 

Trước nỗi đau đến một cách bất ngờ này, Vijay Thakur xúc động mạnh mẽ. Vợ chồng ông đã mất đi một đứa con vì các tài xế taxi đã từ chối làm công việc của họ. Khi ấy, ông đã nghĩ đến những con người khác cũng ở trong tình trạng khẩn cấp như gia đình ông, Vijay Thakur cảm thấy có một suy nghĩ cứ lớn dần:

“Tôi là người có thu nhập khá tốt và có đủ tiền để trả gấp đôi để thuê một chiếc xe taxi. Nhưng tôi bắt đầu nghĩ tới những người không đủ tiền để trả cho một chuyến xe kéo”,  Vijay Thakur chia sẻ với trang The Better India.

Vijay Thakur không muốn những người khác phải trải qua nỗi đau và sự nuối tiếc như mình. Ông rất muốn làm một điều gì đó để giúp đỡ những bệnh nhân cần sự giúp đỡ trong đêm. Người kỹ sư cơ khí khi ấy đã đắn đo rất nhiều giữa công việc ổn định có tương lai và ước muốn giúp đỡ mọi người rất lớn trong trái tim. Đến năm 1984, một chương trình hưu trí tự nguyện ra đời ở Ấn Độ đã giúp Vijay có được quyết định của mình. 

Ông dùng 60000 rupis để mua một chiếc taxi, thi lấy bằng để được hành nghề. Quan trọng nhất, ông tự hứa với chính mình: Sẽ không bao giờ nói không với bất kỳ khách hàng nào cần đến dịch vụ của ông. 

Để thực hiện lời hứa bằng cả trái tim, trong suốt cuộc đời mới khi làm một lái xe taxi, ông Vijay không bao giờ ngủ trong khoảng thời gian từ 2 giờ đến 4 giờ sáng. Vì kinh nghiệm cho ông biết, đây là thời điểm có nhiều sự việc khẩn cấp cần tới dịch vụ của ông. Vijay biết rất rõ vì sao ông lại trở thành một người lái taxi và tôn chỉ của ông là gì, nên sự phản đối của vợ và các con cũng không thể khiến ông thay đổi quyết định. 

Biến cố lại đến, thêm một sự thay đổi sâu sắc

Nỗi đau của Vijay chưa dừng lại sau lần mất đi đứa con đầu lòng. Năm 1999, con trai út của ông khi đó mới 19 tuổi bị một tai nạn nơi đầu gối khi chơi thể thao. Hai vợ chồng ông Vijay ban đầu không hề lo lắng. Thông thường những vết thương như thế này sẽ nhanh chóng hồi phục. Nhưng sau một tuần, vết thương của cậu bé không những không khỏi mà còn sưng lên bất thường. 

Họ tức tốc đưa con trai vào bệnh viện để khám và điều trị. Nhưng, điều đau lòng nhất đã xảy ra, con trai họ mắc bệnh ung thư xương. Và chỉ sau 19 ngày, cậu bé đã ra đi. 

Vijay lại một lần nữa bị sốc khi một lần nữa trải nghiệm mất mát một phần máu mủ của mình. Lần này, ông còn dành hết cả tài sản tích cóp được để cho con chữa bệnh. Nhưng tiền bạc vẫn không thể cứu được cậu bé. 

Trong tình cảnh đau lòng ấy, Vijay lại một lần nữa có một trải nghiệm khiến ông tiếp tục thay đổi suy nghĩ và cách sống. Trong lần thanh toán viện phí cho con, ông đã phải trả 43.000 rupis. Nhưng không may, ở quầy thanh toán, Vijay  thiếu mất 10 rupis. Tuy thiếu một số tiền nhỏ, nhưng nhân viên thu ngân nhất quyết không nhận tiền viện phí của ông. Lúc ấy, người đứng xếp hàng phía sau đã giúp ông số tiền còn thiếu. Chỉ đến khi đó, ông mới có thể hoàn thành việc thanh toán của mình.

 

Trải nghiệm đáng nhớ này khiến Vijay càng thêm quyết tâm giúp đỡ những người khó khăn và cần được trợ giúp. Kể từ đó, ông bắt đầu không nhận tiền taxi của các bệnh nhân. Ông dán phía sau xe của mình một dòng chữ để tất cả mọi người đều có thể biết: “Trên chiếc taxi này, không bệnh nhân nào phải trả tiền”. Kèm theo đó là số điện thoại cá nhân để mọi người có thể gọi ông bất cứ khi nào họ cần. Thêm một lần nữa, ông khẳng định quyết tâm trở thành một “tài xế không bao giờ nói không”. Vijay đã sống đúng với lời hứa của mình cho đến tận bây giờ. 

 

Bước ra từ nỗi đau, thấu hiểu nỗi đau và trở thành người xoa dịu chúng

Trong suốt hành trình làm một “tài xế không bao giờ nói không”, Vijay đã giúp đỡ được 500 bệnh nhân. Có những người đã không thể giữ được mạng sống nếu không gặp ông. Vijay nhớ rằng ông đã chở một cô gái bị tạt axit và bỏng nặng đi cấp cứu. Những tài xế trước đều bỏ qua cô gái đang trong đau đớn ấy. 

 

Đáng nhớ nhất với ông, đó là một chuyến đi đêm,Vijay gặp một vụ tai nạn xe. Ông đã dừng lại và đến gần chiếc xe kiểm tra. Trong đó là một đôi vợ chồng trẻ và một bé gái 8 tháng tuổi. Vijay đã nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi chiếc xe và chuyển họ đến bệnh viện. Người mẹ trẻ không may đã qua đời, nhưng ông bố và bé gái đã may mắn được cứu sống. Một phần cũng vì Vijay đã đưa họ đến bệnh viện kịp thời. 

 

Trải nghiệm này có lẽ là lần giúp đỡ đáng nhớ nhất của ông. Không phải bởi người được cứu là một nhà sản xuất phim của Bollywood, cũng không phải vì lần đó, để trả ơn ông, người bác sĩ đã đưa món trang sức trị giá 20.000 rupis trên người nạn nhân nữ cho ông, cũng không phải vì sau đó ông được người bị nạn đích thân đến cảm ơn và hậu tạ. 

 

Vijay đã mang trả lại món trang sức cho gia đình, ông từ chối mọi vật chất người ta muốn gửi gắm để cảm ơn ông. Vijay có lẽ đã có được món quà lớn nhất của cuộc đời mình. Đó là việc giúp những người khác không phải chịu nỗi đau và sự hối tiếc của ông rất nhiều năm về trước. Món quà ấy đã quá đủ với cả cuộc đời làm “tài xế taxi không bao giờ nói không” mà ông đã lựa chọn. 

Vijay Thakur đã nhận được sự yêu mến của rất nhiều người dân. Họ gọi chuyến xe của ông là “xe cấp cứu Khushi”. Trong tiếng Ấn, Khushi có nghĩa là vui vẻ, hạnh phúc. Đây là món quà mà người dân dành tặng cho ông để cảm ơn những điều ông đã làm cho những người bị nạn trong suốt những năm vừa qua. Nhờ ông mà biết bao gia đình có thêm được cơ hội để yêu thương người thân của mình một lần nữa. 

 

Khi biết đến người lái taxi tuyện vời này, Poorva Shingre, một nhà thiết kế đã tình nguyện thiết kế lại nội thất trong xe của ông, để thực sự biến chiếc xe này trở thành một xe cấp cứu mang niềm vui, hạnh phúc đến cho mọi người. 

 

Hy Văn 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.