Trong một buổi dạ tiệc, người đàn ông ăn vận trau chuốt vui chuyện kể với một phụ nữ vẻ quý phái ngồi bên cạnh về bí mật của một hiệu trưởng. Ông tỏ ra vô cùng bất bình với hành vi bỉ ổi của vị hiệu trưởng đó, và nói một thôi một hồi những từ ngữ công kích, nguyền rủa ông ta thậm tệ. Nhưng người phụ nữ quý phái này từ đầu đến cuối vẫn cứ im lặng chẳng nói năng gì, cho đến cuối cùng, bà mới hỏi người đàn ông:
– Thưa ông, ông cho rằng tôi là ai ạ?
– Ôi, tôi xin lỗi, tôi vẫn chưa hân hạnh được biết quý danh bà – người đàn ông trả lời.
– Tôi chính là vợ ông hiệu trưởng mà ông nói đến đấy ạ – người phụ nữ quý phái trả lời nhẹ nhàng.
Người đàn ông ăn vận bảnh bao kia xấu hổ quá, chẳng biết nói gì nữa. Ngồi một lát, ông ta nghiêm giọng hỏi người phụ nữ:
– Vậy bà có biết tôi là ai không?
– Tôi không biết – bà trả lời nhỏ nhẹ và khe khẽ lắc đầu.
– Ôi, tốt quá, may quá!, người đàn ông như trút được gánh nặng trong lòng, rồi lẳng lặng rời khỏi bữa dạ tiệc.
Có lẽ người đàn ông trong câu chuyện này là thuộc cấp của vị hiệu trưởng nọ. Thật may mắn cho ông ta, bà vợ ông hiệu trưởng là quý bà chân chính, khoan dung, độ lượng. Trước người có thể coi là “kẻ thù” của chồng mình, bà đã có cách xử sự của bậc quân tử: “Quân tử thành nhân chi mỹ, bất thành nhân chi ác” (Người quân tử làm điều tốt đẹp cho người khác chứ không làm điều xấu xa ác độc cho người khác).
Người xưa nói: “Bệnh theo miệng mà vào, họa theo miệng mà ra”. Người không tu khẩu, nói xấu người khác, công kích người khác, hoặc bịa đặt đơm chuyện vu cáo người ta, hoặc câu chuyện làm quà, thể hiện mình từng trải, am hiểu sự đời, khoe khoang kiến thức, phô diễn sở tri sở kiến, rất dễ gây họa cho chính mình. Nhất là những lời ác ngữ cay độc, như lưỡi dao đâm vào tim người ta, người ta sẽ thù hận khôn nguôi, sẽ tìm cách báo thù.
Trong xã hội mấy năm nay đã xảy ra nhiều án mạng, mà khởi nguồn chỉ là một vài câu mắng chửi. Thật đau lòng có cả những nạn nhân là thân nhân của hung thủ, người chết, kẻ tù tội, gia đình ly tán, họ hàng xóm làng xa lánh, khinh bỉ, có nỗi đau nào đau hơn? Có nỗi nhục nào nhục hơn? Có nỗi ân hận nào lớn hơn?
Kiểm soát được lời ăn tiếng nói, suy nghĩ cẩn trọng trước khi nói không những là thể hiện của tu dưỡng, của đạo đức, phẩm hạnh, mà còn là thể hiện của trí tuệ. Người xưa cũng dạy: “Chim khôn hót tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”, và: “Lời thiện một câu ấm ba đông, lời ác lạnh người sáu tháng ròng”, hoặc “Lợi đao cát thể thương dị hợp, ác ngữ thương nhân hận bất hưu” (Dao sắc cắt thân thể, vết thương còn dễ lành; lời ác độc tổn thương người, thì người ta uất hận khôn nguôi). Thế nên người khôn ngoan, người có trí tuệ đều “Uốn lưỡi bẩy lần trước khi nói”, tìm lời hay ý đẹp để nói với người khác, cũng là để “Thành nhân chi mỹ” (Thành tựu việc tốt đẹp cho người khác).
Người xưa dạy “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, thật không đơn giản chỉ là công cụ truyền đạt trao đổi ý kiến. Nó mang nội hàm rất sâu xa, là một loại trí tuệ, một loại tu dưỡng phẩm đức, cũng là công phu khổ luyện mới có thể đạt được. Nhưng nó cũng không phải là quá khó, không thể thực hiện được, chỉ cần để tâm chú ý vào mỗi lời ăn tiếng nói, suy nghĩ trước khi nói, xem lời mình nói ra có gây tổn thương đến người ta không. Thêm vào đó là thiện tâm, thì mỗi lời nói sẽ là một đóa hoa hồng, người nghe ắt sẽ rất vui lòng đón nhận.
Thơ Gia-cơ 3:13-15 dạy rằng : “Trong anh em có người nào khôn ngoan thông sáng chăng? Hãy lấy cách ăn ở tốt của mình mà bày tỏ việc mình làm bởi khôn ngoan nhu mì mà ra. Nhưng nếu anh em có sự ghen tương cay đắng và sự tranh cạnh trong lòng mình, thì chớ khoe mình và nói dối nghịch cùng lẽ thật. Sự khôn ngoan đó không phải từ trên mà xuống đâu; trái lại, nó thuộc về đất, về xác thịt và về ma quỉ.” chính lúc bạn không cầm giữ được môi lưỡi mình là lúc bạn tỏ ra sự yếu kém của mình. Nhưng “người khôn ngoan là người chứng minh bằng hành động để những lời chỉ trích của kẻ thù trở thành những lời nói dối” (Plato)
Nam Phương