Nhỏ mà cứ cho mình lớn – Suy tư

Nhỏ mà cứ nghĩ mình lớn

Ở góc độ suy nghĩ tích cực trong đời sống đức tin Cơ Đốc thì đời sống tín hữu luôn cần được khích lệ sống lạc quan và tin cậy nương trên những gì Chúa đã hứa . Chẳng hạn, sứ đồ Phao-lô cũng đã nói : ” Cho nên tôi vì Đấng Christ mà đành chịu trong sự yếu đuối, nhuốc nhơ, túng ngặt, bắt bớ, khốn khó; vì khi tôi yếu đuối, ấy là lúc tôi mạnh mẽ.” (2 Cô-rinh-tô 12:10) Phao-lô chứng thực về sức mạnh của Đấng Christ giúp ông vượt những khó khăn bắt bớ , đau đớn trong hành trình theo Chúa.  Song, trong thực tế có những loại suy nghĩ không tích cực nhưng mang hơi hướm của sự tự mãn, tự phụ như tiêu đề : Nhỏ mà cứ nghĩ mình lớn ! hay nói cách khác là mất ơn nhưng cứ nghĩ mình vẫn tràn trề. Một người vẫn dương dương tự đắc rằng mình vẫn còn có tầm ảnh hưởng, mình vẫn có tài hơn người với những thành tích lẫy lừng và hào quang của quá khứ . Một sự lừa dối chính bản thân mình.

Điều gì khiến cho người hầu việc Chúa trở nên tự mãn và kiêu căng như vậy ? đó chính là thiếu tinh thần làm việc đồng đội . Ai đó cho mình có khả năng làm việc một mình thì đó là sai lầm đầu tiên để dẫn họ đến sự tự mãn bởi thế giới đối với họ chỉ có “ta và bầu trời”, giống như loài “ếch ngồi đáy giếng” chỉ thấy bầu trời của nó thông qua cái vòng tròn bên trên! Có thể người ấy khá với khả năng vượt trội , nhưng lại không chịu sự góp ý, giúp đỡ xây dựng của người khác.  Sự kiêu căng khiến cho người lãnh đạo mất đi nhiều những vị tướng tài , những người đồng lao giỏi , những ai có tâm huyết muốn đóng góp cho sự phát triển lớn mạnh của Hội Thánh hay một tổ chức. Thơ Phi-lip dạy tín hữu : ” Chớ làm sự chi vì lòng tranh cạnh hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình.” (Phi-líp 2:3) . Tôi cũng đã nghe một diễn giả chia sẻ về sự khiêm nhường sẽ giúp một người giữ được ơn Chúa ban cho mình .

Nan đề của sự kiêu căng đó là nghĩ mình “được ơn”. Tệ hại hơn là cứ nuôi mình bằng loại suy nghĩ ” tôi và tổ chức tôi luôn có ảnh hưởng đến các tổ chức khác hay cộng đồng”. Điều này khiến cho người ta càng xa cách cộng đồng cùng niềm tin, tự cô lập mình và tổ chức của mình với cộng đồng. Trong khi thực tế cho thấy các hoạt động trong xã hội và cộng đồng luôn tiến triển và thay đổi . Nếu anh không thay đổi anh sẽ bị tụt hậu! Ở góc độ tâm lý thì đây là dấu hiệu tự kỷ ám thị, thuật ngữ đề cập đến quá trình tự tâm niệm, tự khích lệ nhưng chỉ hướng đến những gì vượt quá khả năng mình không có hay không thể đạt đến.

Thánh Kinh kể về câu chuyện Thần của Đức Giê-hô-va lìa khỏi vua Sau-lơ nhưng ông không hề hay biết tình trạng của mình ” Thần của Đức Giê-hô-va lìa khỏi Sau-lơ; Đức Giê-hô-va bèn khiến một ác thần khuấy khuất người” (1 Sa-mu-ên 16:14)  Chính điều đó đã gây nên nhiều hệ lụy cho bản thân ông, mối quan hệ giữa ông cùng Đa-vít, sự điều hành đất nước Y-sơ-ra-ên lúc bấy giờ. Xin Chúa giúp ai đó nhận ra tình trạng của mình để không còn sống ảo tưởng rằng nếu không có tôi thì quí vị không thể làm được chuyện gì hay chăng !

Vậy điều gì có thể giúp chúng ta phân biệt giữa sự suy nghĩ tích cực và loại tư tưởng kiêu căng ? Sự khác biệt duy nhất đó chính là Chúa Giê-xu có trở thành trung tâm của suy nghĩ hay không . Sứ đồ Phao-lô phát triển loại suy nghĩ tích cực có Chúa Giê-xu là trung tâm để khiến ông trong tư thế kẻ yếu trở nên mạnh, thất bại trở nên thành công . Trong khi đó kẻ sống cùng thời là Hê-rốt đã bị trùng đục mà chết bởi ông ta không đặt Chúa Giê-xu làm trọng tâm cho ước mơ và suy nghĩ của mình. Hê-rốt nghĩ cho mình nhiều hơn , cho chiếc ghế mình vững chắc hơn … và Đức Chúa Trời đã đánh ông. (Công vụ 12:20-23)

“Nhỏ mà cứ nghĩ mình lớn” là suy nghĩ cần phải được loại trừ khỏi đời sống theo Chúa. Thay vào đó một người cần phải biết tình trạng của mình mà ăn năn, sửa đổi, lập lại đời sống tin kính hầu cho nhận được thêm ơn từ nơi Chúa như lời đã chép trong thơ Khải Huyền : ” Vả, ngươi nói: Ta giàu, ta nên giàu có rồi, không cần chi nữa; song ngươi không biết rằng mình khổ sở, khốn khó, nghèo ngặt, đui mù, và lõa lồ. Ta khuyên ngươi hãy mua vàng thử lửa của ta, hầu cho ngươi trở nên giàu có; mua những áo trắng, hầu cho ngươi được mặc vào và điều xấu hổ về sự trần truồng ngươi khỏi lộ ra; lại mua thuốc xức mắt đặng thoa mắt ngươi, hầu cho ngươi thấy được.” (Khải Huyền 3:17,18)

Mục sư David Dong,
Hội Thánh Báp-tít Vườn Nho Arizona.
(03/2018)

2 Replies to “Nhỏ mà cứ cho mình lớn – Suy tư”

  1. Rất Amen với MS Giang Đông! Ảo tưởng, hư vinh, hư danh là tên của những triệu chứng trầm kha mà nhiều người không chịu nhìn nhận để được chữa trị, cho đến một lúc Chúa không còn có thế sử dụng người đó trên công trường. Luật thiên đành định nghĩa mỗi cơ đốc nhân là một chi thể của thân chứ không phải là một hữu thể riêng biệt. Phải ở trong thân thì sự sống mới luân lưu và chi thể đó mới hữu ích. Nếu không, sẽ là một trở ngại làm cho hệ miễn nhiễm của toàn thân phải tự động tìm cách loại trừ sự nghẹt ngòi.

    1. Dear cô Hồng Phước,

      Amen với nhận định của cô Phước về “Luật thiên đàng định nghĩa mỗi cơ đốc nhân là một chi thể của thân chứ không phải là một hữu thể riêng biệt. Phải ở trong thân thì sự sống mới luân lưu và chi thể đó mới hữu ích.” xin Chúa giúp ơn cho các chi thể trong thân đều cần đến nhau để trở nên hữu ích . Biết cô Phước cưu mang rất nhiều cho các chức vụ .

      David

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.