Đừng Nói Dối

Hãy làm người trung thực

Có lẽ mỗi người trong chúng ta đều từng nói dối. Cũng có thể lời nói dối vô hại, nói dối để khuyến khích, hay để an ủi người khác với một ý tốt. Nhưng một khi bạn trở thành một kẻ nói dối thường xuyên, coi chừng lòng tin của mọi người đối với bạn sẽ biến mất ngay lập tức.
Vợ chồng chị Helen L. sống với nhau gần 20 năm nhưng không có con. Sợ bạn bè dèm pha “gái độc không con,” khi dời nhà từ Texas về California, chị Helen L. luôn nói với mọi người rằng chị có một thằng con trai, dù đó chỉ là “con đỡ đầu” của chị mà thôi. Thấy mọi người “tin sái cổ,” chị tiếp tục thường xuyên nói quá về đứa con đỡ đầu. Nói dối quen miệng, cho đến khi mọi người dần dần phát hiện ra sự thật, chị bị đổi tên thành “kẻ dối trá,” cho dù bản chất của chị không phải như thế.

Nghiên cứu của Đại học London (Anh) cho thấy, nếu chúng ta nói dối một lần thì sẽ có lần thứ hai, thứ ba… Bộ não con người sẽ tự động thích nghi với sự “leo thang” này, khiến việc nói dối ngày càng trở nên dễ dàng.

Các nhà nghiên cứu của đại học này đã làm một thí nghiệm với 80 người. Tấc cả họ được nhìn thấy hình ảnh bình chứa đầy đồng xu. Một người sẽ tư vấn cho người chơi cùng – partner (người cũng đã nhìn vào bức ảnh nhưng ảnh nhòe hơn) rằng nên đoán có bao nhiêu tiền trong bình.

Dựa trên lời khuyên đó, partner đánh giá tiền trong bình càng cao thì phần thưởng cho người tư vấn càng lớn. Vài biến thể của thí nghiệm cũng được thực hiện. Một là, người tham gia được biết họ và người tư vấn sẽ chia đôi tiền thưởng. Lúc này, khả năng nói dối của partner tăng cao. Hai là, người tư vấn sẽ được nhiều tiền thưởng hơn partner. Khi đó, cường độ nói dối càng tăng lên.

Kết quả quét não bằng MRI 25/80 người tham gia (chọn ngẫu nhiên) khi họ đang ước tính cho thấy cách chúng ta quen với việc nói dối: Điều này giống như việc một người không còn nhận ra mùi nước hoa của chính mình theo thời gian nên sử dụng nhiều hơn. Hình ảnh quét não cho thấy hạch hạnh nhân (nằm ở tâm não, là nơi xử lý các yếu tố gây cảm xúc) trở nên bão hòa hoặc trợ giúp cho sự không trung thực.

Đây là nhóm nghiên cứu đầu tiên chứng minh bằng thực nghiệm rằng càng nói dối nhiều thì con người càng nói dối trắng trợn. “Giống như bạn đang ở một con dốc trơn trượt. Một khi đã nói dối, dần dần bạn sẽ trở thành người không trung thực. Việc nói dối thường xuyên tiềm ẩn mối nguy hiểm vì chẳng mấy chốc bạn sẽ trở thành kẻ dối trá” – Neil Garrett – tác giả nghiên cứu nói.

Trung thực là một trong những phẩm chất quan trọng nhất tạo nên giá trị của một con người chân chính. Vì thế hãy làm người trung thực, đừng nên nói dối, dù là lời nói dối vô hại.

Psychology Today

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.