Sự kêu gọi vào công việc lãnh đạo không phải là một biện biệt vào khoảng chân không. Nó phải được những người khác trong Thân Thể Đấng Christ nhận thức và thẩm định. Chúng ta cần hiểu rằng sự kêu gọi vào công việc lãnh đạo là “sự kêu gọi thứ yếu”, với giả định là việc trở nên một môn đồ của Chúa Giê-xu Christ mới là sự kêu gọi chủ yếu. Chính Đấng Christ thực hiện sự kêu gọi này, để hướng đến Ngài và cho Ngài. Đó là một sự kêu gọi vào mối liên hệ cá nhân với Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-xu Christ. Mỗi Cơ Đốc nhân được kêu gọi yêu Đức Chúa Trời, đi theo Đấng Christ, ca tụng Ngài đời đời. Để thấy được nét đặc thù đó, chúng ta phải luôn luôn tôn quý sự kêu gọi chủ yếu dành cho mọi Cơ Đốc nhân nhưng đồng thời tìm kiếm sự nhận thức về ân tứ thích hợp, định hướng của niềm hăng say, những kỹ năng cơ bản liên hệ, và mức độ trưởng thành thuộc linh cần có cho vai trò và/hoặc chức vụ. Trong việc biện biệt sự kêu gọi của Đức Chúa Trời vào mục vụ cho một ứng viên (nhiệm chức hay thụ phong), các trưởng lão phải phát hiện và khai triển những điều sau đây:
1. Những ân tứ thuộc linh (bạn nghĩ rằng ân tứ nào Đức Chúa Trời đã ban cho bạn? Các tín đồ trưởng thành khác có đồng ý với sự đánh giá của bạn không?)
2. Những niềm hăng say (bạn cảm thấy niềm hăng say nhất ở điểm nào?)
3. Những kỹ năng (những kỹ năng nào bạn cho rằng mình đã có, cũng như bạn cần khai triển mặt nào khác, để có hiệu quả trong việc hoàn tất công việc của mình?)
4. Những mục tiêu và sự xác quyết (bạn tin rằng mục tiêu chính của mình trên đất này là gì, và những sự xác quyết sâu xa nhất của bạn là gì?)
5. Những phẩm chất cần thiết bên trong:
• Cá tính và lòng liêm chính. Bạn có phải là người liêm chính hay không? Bạn có nói điều mình chủ tâm làm và chủ tâm làm điều mình nói hay không? Bạn có quản lý tiền bạc với lòng thành thật và minh bạch hay không? Bạn có đối xử với những người chung quanh một cách lịch sự và tôn trọng hay không? Bạn có cầm giữ được những dục vọng và cố gắng giảm thiểu quyền lực của bản chất tội lỗi của chính mình hay không? Con người của bạn trong lúc riêng tư có khác với con người của bạn nơi công cộng hay không? Bạn có tiếp cận với một người hay một nhóm người mà bạn có trách nhiệm giúp họ tuân thủ những tiêu chuẩn về hành vi của Đức Chúa Trời ban ra hay không?
• Tự nhận thức và tự khép vào kỷ luật (bạn là người tự nhận thức như thế nào? Bạn có lòng cởi mở như thế nào về sự phản hồi xây dựng, cả tích cực lẫn tiêu cực? Những sự “thèm khát” không lành mạnh của bạn là gì? Những sự thèm khát này có đem lại hậu quả không tốt cho bạn hay không, hay bạn có thể chế ngự chúng với sự giúp sức của Đức Chúa Trời không? Bạn có thấy mình tương đối khỏe mạnh về mặt tinh thần cũng như cảm xúc hay không? Những người thân của bạn có thấy bạn là người có kỷ luật hay không?)
• Khả năng truyền thông với người khác (Bạn có hòa hợp với người khác không? Bạn là một người đơn độc hay bạn sẵn lòng làm việc như một thành viên trong một nhóm? Đối với bạn việc tự chế quan trọng như thế nào? Bạn có yên tâm giao việc cho người khác không? Bạn nhạy cảm ra sao đối với cảm xúc và nhu cầu của người khác? Đôi khi bạn có thể nhìn lại để xem lời nói và hành động của mình ảnh hưởng đến người khác như thế nào không?
(Tổng hợp)
Chuyển ngữ bởi Mục sư Nghiêm Văn Hợp