Thuận Phục Khi Chúa Sửa Phạt

Hê-bơ-rơ 12:7-11

“Cha về phần xác sửa phạt, mà chúng ta còn kính sợ thay, huống chi Cha về phần hồn, chúng ta há chẳng càng nên vâng phục lắm để được sự sống sao?” (câu 9).

Câu hỏi suy ngẫm: Việc Chúa sửa phạt con dân Ngài được so sánh với hình ảnh nào? Sự so sánh ấy nói lên điều gì? Tại sao phải thuận phục sự sửa phạt của Chúa? Chúng ta cần thể hiện sự thuận phục Chúa như thế nào?

Trước giả thư Hê-bơ-rơ so sánh việc Chúa sửa phạt con dân Ngài với việc cha sửa phạt con, đồng thời cũng giải thích rằng nếu chúng ta không được Chúa sửa phạt thì không phải là con thật của Chúa (câu 😎. Sự so sánh ấy nhấn mạnh rằng được Chúa sửa phạt là một bằng chứng cho thấy chúng ta thuộc về Chúa, được Ngài yêu thương và đối đãi như con. Thật ra Chúa không hề vui thích khi sửa phạt con dân Ngài, vì “Hễ khi dân Ngài bị khốn khổ, chính Ngài cũng khốn khổ” (Ê-sai 63:9a). Chúa sửa phạt là vì Ngài yêu thương chúng ta vô cùng, nên chúng ta phải biết ơn và thuận phục Chúa.

Ngoài ra, chúng ta phải thuận phục bởi Chúa sửa phạt là vì ích lợi cho chúng ta, để chúng ta tăng trưởng trong sự thánh khiết, bình an và công chính (câu 10-11). Không ai có thể vui vẻ được khi ở trong sự sửa phạt. Sẽ có những đau đớn, buồn tủi, lo lắng, sợ hãi… tùy vào mức độ sửa phạt. Nhưng khi hiểu rõ ích lợi của sự sửa phạt, như một người bệnh hiểu được giá trị của phương thuốc để được chữa lành, chắc chắn dù đắng hay đau cách mấy cũng sẵn sàng chấp nhận. Hiểu rõ mục đích Chúa sửa phạt thì ngay cả đang khi chịu đau đớn, chúng ta vẫn có thể kinh nghiệm được sự bình an vì biết Chúa đang rèn luyện mình để trở nên giống như Con Ngài.

Chúa có thể sửa phạt chúng ta theo những cách khác nhau, đó có thể là những khó khăn trong công việc, nan đề trong gia đình, vấn đề về sức khỏe, hay sóng gió trong chức vụ. Vậy thuận phục Chúa là như thế nào trong những hoàn cảnh đó? Liệu có phải khi bị bệnh thì cứ ở yên không tìm cách chữa trị? Hay là đừng cố giải quyết khi gia đình gặp vấn đề? Hoặc “đang ở đâu thì ở yên đấy, đừng làm gì cả?” Thuận phục trước hết là vấn đề của tấm lòng, còn hành xử ra sao chỉ là cách biểu hiện. Không có gì sai khi cầu nguyện xin Chúa giúp mình qua khỏi những khó khăn. Nhưng điều quan trọng nhất là khi đối diện với những vấn đề Chúa cho phép xảy ra, hãy dừng lại và xem xét tấm lòng mình. Một tấm lòng thuận phục luôn tìm kiếm ý Chúa trong mỗi hoàn cảnh, và cầu xin ý muốn tốt lành của Ngài tỏ bày như chính Chúa Giê-xu đã cầu nguyện với Cha: “Lạy Cha, mọi việc Cha làm được cả; xin Cha cất chén này khỏi con; nhưng không theo điều con muốn, mà theo điều Cha muốn” (Mác 14:36).

Bạn nhận được những gì mỗi khi trải qua sự sửa phạt của Chúa?

Lạy Chúa, xin cho con hiểu Chúa muốn điều tốt nhất cho con khi Ngài sửa phạt con. Xin ban cho con tấm lòng khiêm nhường và nhạy bén để nhận ra ý muốn Ngài, đồng thời xin thêm sức để con có thể vượt qua sự sửa phạt và trưởng thành hơn mỗi ngày. Nhân danh Đức Chúa Giê-xu Christ, Amen!

www.hoithanhvuonnhoaz.com

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.