Có một cặp vợ chồng giàu có nọ đang chuẩn bị một bữa tiệc mừng năm mới hoành tráng tại nhà. Họ đã đi chợ và mua rất nhiều thứ đắt đỏ. Bởi muốn thể hiện đẳng cấp của mình nên hai vợ chồng hầu như không quan tâm đến giá cả.
Sau khi mua sắm xong, họ gọi một người khuân vác để mang đồ về nhà. Một người khuân vác lớn tuổi xuất hiện, nhìn ông ta không được khỏe cho lắm, quần áo cũ rách, nhìn có vẻ túng thiếu, làm không đủ ăn.
Họ hỏi người khuân vác về chi phí giao hàng và nhận được câu trả lời là 20 USD, thấp hơn giá thị trường. Thế nhưng cặp vợ chồng đã ra sức mặc cả và cuối cùng đã chốt giá 15 USD. Người khuân vác đang phải vật lộn từng ngày để kiếm sống nên ông ta chấp nhận làm thuê bằng mọi giá.
Cặp vợ chồng tỏ ra vui vẻ nghĩ rằng họ đã thỏa thuận được giá tốt. Họ trả trước cho đối phương rồi về nhà. Thế nhưng, sau khi đã về nhà được vài tiếng, cặp vợ chồng vẫn không thấy người khuân vác giao hàng đến.
Người vợ bắt đầu nổi giận với chồng: “Em đã nói với anh rằng đừng tin người như vậy nhưng anh lại không nghe em. Một người thậm chí kiếm không đủ sống, anh lại trao cho ông ta tất cả đồ đạc mà mình đã mua để chuẩn bị cho bữa tiệc lớn. Em dám chắc là thay vì mang đồ đến nhà chúng ta, ông ta đã biến mất cùng tất cả mọi thứ. Chúng ta phải nhanh chóng trở lại chợ để hỏi thăm và sau đó là đến đồn cảnh sát để trình báo sự việc.”
Cặp đôi nhanh chóng đi đến chợ. Trên con đường cách chợ không xa, họ gặp một người khuân vác khác. Họ chặn người đó lại và hỏi về người khuân vác lớn tuổi và nhận ra rằng anh ta đang mang đồ của mình.
Người vợ giận dữ hỏi: “Tên trộm già đó đâu? Đây là đồ của chúng tôi và anh ta phải vận chuyển nó cho chúng tôi. Dường như những tên trộm nghèo nàn các người đang ăn cắp đồ của chúng tôi và mang chúng đi bán.”
Người khuân vác từ tốn đáp: “Thưa bà, bà hãy bình tĩnh. Người đàn ông lớn tuổi đó bị ốm từ tháng trước. Ông ấy không kiếm đủ thậm chí là cho một bữa mỗi ngày. Ông ấy đang trên đường chuyển đồ cho ông bà nhưng vì đang ốm và đói nên không thể trụ được giữa cái nắng của buổi trưa. Ông ấy đã gục ngã nhưng vẫn cố đưa lại cho tôi 15 USD và dặn: ‘Đây là số tiền tôi đã nhận để giao đơn hàng này, anh hãy cầm lấy và gửi đến địa chỉ này giúp tôi.’
Thưa bà, ông ấy đói, ông ấy nghèo, nhưng ông ấy là một người đàn ông trung thực. Tôi đang trên đường hoàn thành đơn hàng cuối cùng của ông ấy đến nhà bà đây.”
Nghe những lời đó, người chồng rơi nước mắt còn người vợ thì xấu hổ, không đủ can đảm để nhìn vào mắt chồng.
* Trung thực không có đẳng cấp. Vì thế, chúng ta hãy tôn trọng tất cả mọi người bất kể là họ giàu hay nghèo, có địa vị hay không.
Câu chuyện cũng là lời nhắc nhở đến mỗi chúng ta, đừng vội đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài.
Việc vội vã đưa ra phán xét mà chưa hiểu rõ về cuộc sống của họ ra sao không chỉ khiến người khác bị tổn thương mà bản thân người phán xét cũng sẽ phải xấu hổ, thậm chí là hối hận trước việc làm của mình.
Khi đối diện với bất cứ việc gì, đừng vội dùng ấn tượng ban đầu để phán đoán, bởi có thể quan niệm từ ấn tượng ban đầu sẽ chặn đứng những suy nghĩ sâu sắc, thấu đáo của chúng ta.
Cũng đừng để bề ngoài của con người, sự việc, hành động đánh lừa cảm giác, không suy nghĩ thật kỹ đã vội vã đưa ra quyết định. Có như vậy chúng ta mới tránh khỏi phán đoán sai lầm để rồi vừa làm tổn thương người khác, vừa khiến bản thân phải ân hận.
Nguyen Nhung
(www.hoithanhvuonnhoaz.com)