Trên bãi biển Trivandrum, có một người đàn ông đang ngồi đọc quyển Bhavagad Gita – một cuốn sách tôn giáo nổi tiếng của Ấn Độ.
Đúng lúc đó, có một chàng trai trẻ tuổi, tài năng theo thuyết vô thần đi tới và ngồi cạnh người đàn ông có tuổi kia.
Liếc nhìn thấy quyển sách, chàng trai tỏ ý khinh thường, bâng quơ nói một câu: “Thời đại của khoa học rồi thì chỉ có những kẻ ngốc mới còn ngồi đọc cuốn sách lỗi thời như Bhavagad Gita. Nếu ông dành thời gian mà nghiên cứu khoa học thì hẳn là đã giúp được cho đất nước này nhiều hơn rồi”.
Nghe thấy vậy, người đàn ông ngước lên nhìn, không tỏ vẻ giận dữ gì, chỉ hỏi lại người thanh niên trẻ tuổi: “Vậy cậu là ai? Cậu làm nghề gì?”.
Chàng trai không giấu nổi sự tự hào, đáp lại ngay lập tức: “Tôi ý hả? Tôi là một nhà khoa học tốt nghiệp đại học tại Kolkata (Calcutta). Tôi đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử Bhabha. Ông đã từng nghe nói đến chưa vậy?”
Dường như vẫn cảm thấy chưa đủ, chàng thanh niên lại một lần nữa nhấn mạnh rằng nếu người đàn ông cứ tiếp tục đọc quyển Bhavagad Gita thì sẽ chẳng đạt được điều gì có ích đâu.
Người đàn ông mỉm cười, không nói gì. Rồi ông ta đột nhiên đứng lên ra về. Lập tức, 4 vệ sĩ xuất hiện và vây quanh người đàn ông, rồi một chiếc xe sang trọng từ đâu chạy đến và dừng lại ngay trước mặt ông ta.
Kinh ngạc trước điều được chứng kiến, chàng thanh niên buột miệng hỏi: “Ông là ai vậy?”.
Người đàn ông mỉm cười, trả lời: “Vikram Sarabhai – Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử Bhabha”.
Nghe thấy tên trung tâm, chàng trai như hóa đá tại chỗ, miệng cứng lại không biết nói gì hơn. Đó chính là nơi mà anh ta đang làm việc và cống hiến.
Hóa ra, người đàn ông mà anh ta vừa tỏ ý coi thường cách đây vài phút chính là Vikram Ambalal Sarabhai, một nhà khoa học nổi tiếng của Ấn Độ, người được coi là Cha đẻ của Chương trình Không gian Ấn Độ. Thời điểm đó, Ấn Độ có 13 trung tâm được lấy tên của Vikram Sarabhai. Ông cũng được đích danh Thủ tướng Ấn Độ lúc đó chỉ định là Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch Nguyên tử.
Quá xấu hổ vì sự kiêu ngạo của mình, một lúc sau, người thanh niên đã phủ phục xuống chân của Vikram Sarabhai để cầu xin sự tha thứ.
Đến lúc này, Vikram Sarabhai mới bảo người thanh niên hãy đứng dậy, rồi từ tốn nói rằng: “Thời nào cũng có những công trình sáng tạo và những người đứng đằng sau chúng, tất cả đều rất đáng trân trọng. Dù đó là thời của sử thi Mahabharata hay thời hiện đại của Ấn Độ thì chúng ta đều phải biết ơn những người đi trước”.
Chàng trai cúi đầu không nói gì. Từ đó về sau, ai cũng ngạc nhiên trước sự thay đổi tích cực của anh ta. Không còn kiêu ngạo, hống hách và tự tin thái quá nữa, chàng thanh niên ngày đêm say sưa làm việc và âm thầm góp sức mình cho sự phát triển của nền khoa học Ấn Độ.
. Có rất nhiều người khi đạt được chút thành tựu thì đã tỏ vẻ kiêu ngạo, huênh hoang, coi thường người khác mà không hiểu được một quy luật trên đời, đó là núi cao ắt sẽ có núi cao hơn, nhân tài trên đời không thiếu, chỉ là bạn có được gặp hay không thôi.
Chính vì thế, nếu tự cho bản thân mình là nhất, thì sẽ có ngày ta chỉ tự chuốc lấy rắc rối, biến mình thành kẻ hợm hĩnh, thành trò cười trong mắt của người khác mà thôi.
Khiêm tốn là một trong những bài học làm người đầu tiên mà bất kỳ ai cũng phải ghi nhớ.
Theo Moral Stories